Khi nhà báo hóa “quặng tặc”
Khoáng sản - Ngày đăng : 18:20, 18/06/2020
“Hành xác” trong lòng núi
Được phân công về phụ trách địa bàn Nghệ An, tôi trăn trở, suy nghĩ về câu “ấn tượng” mà sếp nói. Thế rồi, thông qua các mối quan hệ ở vùng “rốn quặng” phía Tây Bắc xứ Nghệ, tôi quyết định “làm liều” một chuyến thâm nhập vào các hầm lò khai thác quặng thiếc dưới lòng đất mà tôi chưa bao giờ được vào qua cửa hang, dù chỉ một lần.
Từ lâu, Quỳ Hợp vốn được mệnh danh là “rốn” quặng thiếc của Xứ Nghệ. Sau hàng chục năm khai thác, những dãy núi trông bề ngoài vẫn lừng lững, nguyên vẹn, xanh tươi nhưng thực chất bên trong là những hầm địa chằng chịt. Gần 10 năm trước, có dịp vào “ăn ở” cùng các thợ mỏ, tôi như lạc vào “ma trận” dưới lòng đất cùng những câu chuyện không thể nào quên…
Trước cửa hang một khu mỏ tại xã Châu Hồng |
Vi Kim Định - một người bạn, người em từ thủa “nối khố” khi ấy đang là quản lý có “thâm niên” vài ba năm trời cho các khu mỏ “có tiếng” ở xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) khi đó. Biết ý định “theo chân” vào hầm lò quặng thiếc của tôi, Định can ngăn vì quá nguy hiểm, nhưng tôi quyết tâm thuyết phục cho bằng được. Trước sự quyết tâm của tôi, “người quản lý mỏ” cũng đã phải miễn cưỡng gật đầu đồng ý.
Mỏ Phá Líu, xã Châu Hồng khi đó được cấp Giấy phép khai thác cho Công ty CP Đ.C. Mỏ này tôi đã nghe kể rất nhiều về “ma trận” hầm lò dưới lòng đất.
Bằng các mối quan hệ sẵn có, Định xin cho tôi được vào làm tại tổ công nhân đẩy xe với vai trò… “tập sự”. Nhìn những người công nhân đen đúa, khuôn mặt khắc khổ, mồ hôi nhễ nhại ngồi nghỉ ngoài cửa hang phì phèo điếu thuốc lá… tôi đã mường tượng ra phía bên trong những căn hầm u tối điều gì đang chờ đón mình.
Sau vài phút gọi là “hướng dẫn” công việc nhưng rất qua loa, tôi đẩy xe rùa theo sau nhóm công nhân “trong tổ” đẩy xe gồm 6 người. Cả nhóm ai cũng một chiếc đèn pin treo trên đầu bởi vì trong hang rất tối, cứ đi một đoạn khá xa mới lại có một bóng điện sợi đốt đỏ chói nhưng cũng chỉ phát sáng được vài mét.
Càng vào sâu, tôi cảm thấy bất an, trong người ớn lạnh. Những chiếc hầm ngang dọc, chằng chịt nhưng chỉ được chằng chống một cách rất sơ sài bằng các khúc gỗ, cây tre cũ kỹ, mục ruỗng. Hình ảnh chứng tỏ những hang sâu này đã được đào từ nhiều năm trước. Những hầm lò này dường như không dành cho người yếu tim, bởi chỉ nhìn thấy thôi cũng có thể ngạt thở, thậm chí ngất xỉu vì… sợ.
Một góc đường lên các khu mỏ khoáng sản ở Quỳ Hợp |
Quanh co, lòng vòng khoảng vài trăm mét, ánh đèn điện sáng trưng như “mê cung” trong các phim dã sử. Hàng chục công nhân đang hì hục đào bới từng tảng đá, lớp đất. Từng đống đất chứa quặng thiếc đổ ra rồi những công nhân cứ thế hì hục xúc lên xe đẩy rồi lần lượt đi theo “đường ray” gắng lòng vòng trong hầm để đưa ra sàng tuyển quặng ngoài mặt đất.
Công việc cứ thế, một buổi sáng mỗi người trong nhóm chúng tôi xúc và đẩy được khoảng 20 chuyến xe. Người nào cũng mô hôi nhễ nhại, người mệt nhoài, chân tay đau ê ẩm, nhức buốt… Tôi là “lính mới”, chưa quen việc nên công việc càng trở nên nặng nhọc, chân tay bủn rủn, phỏng nước rát buốt. Đúng là một cuộc “hành xác” thực sự mà trước đó tôi chưa thể hình dung nổi.
Sau ca nghỉ ăn trưa vội vã, chúng tôi được nghỉ ngơi khoảng hơn 1 giờ đồng hồ rồi lại tiếp tục công việc quen thuộc như buổi sáng. Đầu buổi chiều mùa hè nắng gắt, trông những núi đá lưa thưa cỏ cây đã héo úa khiến ai nhìn vào cũng có cảm giác khó chịu, oi bức đến nghẹt thở.
Những câu chuyện chết chóc
Tại huyện Quỳ Hợp thời kỳ đó có hàng trăm mỏ quặng thiếc đang hoạt động với số lượng công nhân lên đến vài nghìn người, trong đó, đa số là dân từ nơi khác đến.
Công nhân thường làm theo hình thức giao khoán, ăn ở ngay tại mỏ. Theo những công nhân làm lâu năm tại mỏ của Công ty Đ.C cho biết, làm việc theo hình thức giao khoán giúp các chủ mỏ dễ quản lý thời gian làm việc của công nhân và hiệu quả công việc cũng cao hơn. Mỗi tốp 3 - 4 công nhân thường phải làm một ca trong khoảng 4 tiếng đồng hồ là ít nhất, để đào và xúc lên đầy một xe lớn có trọng lượng khoảng vài tấn. Theo “quảng cáo” của quản lý mỏ, thời điểm đó hầu hết công nhân đều có lương khá cao, từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Và những người có ngày công cao nhất là thợ khoan âm và “phu” móc quặng.
Những căn hầm lò khai thác quặng thiếc ở huyện Quỳ Hợp |
Trong giờ nghỉ giải lao, tôi bắt chuyện được với anh Nguyễn Hữu D, người quê ở tận Thái Nguyên. Anh D khoe với tôi rằng, do thợ khoan âm thường đòi hỏi phải có tay nghề nên rất khó tìm và cũng được trả lương cao, từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Một số mỏ còn phải thuê công nhân người nước ngoài (Đài Loan hoặc Trung Quốc) đảm nhận công việc này với thù lao ngất ngưởng.
“Chú đừng tưởng vị trí công việc của anh là “ngon”, làm thợ khoan âm để chủ nổ mìn trong hang sâu khoảng 300 - 400m, công việc mỗi ngày không nhiều lắm, nhưng rất mệt và cực kỳ nguy hiểm. Mất mạng như chơi!”, anh D lắc đầu nhìn tôi.
Anh Vi Tân P, quê ở huyện Quế Phong (Nghệ An), tâm sự, nếu thợ khoan âm, thợ cơ khí và thiết kế hầm thiếc có lương cao thì ngày công của thợ móc quặng ở dưới lòng đất cũng không đến nỗi thấp. Tính ra mỗi ca làm việc (khoảng 4 tiếng đồng hồ) được chủ mỏ trả cho 300.000- 400.000 đồng, chưa kể ăn uống. Chỉ có điều công việc móc quặng cũng cực lắm và không ít hiểm nguy, chết chóc”.
Anh K, cùng “tổ” làm việc với tôi kể, làm ở dưới hang sâu thẳm nhưng hệ thống chằng chống chỉ là những thanh gỗ, thanh tre hết sức sơ sài, nên hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn. Nhẹ thì trầy xước tay, chân, nặng hơn thì mất cánh tay, gãy ống chân..., thậm chí, bỏ mạng thì chúng tôi thấy nhiều rồi.
Hầm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất nhưng chỉ được chằng chống một cách sơ sài |
Nghe kể chuyện tai nạn sập hầm năm 2008 cướp đi mạng sống của 3 người tôi không khỏi cảm thấy lạnh buốt sống lưng: “Hôm đó, mọi người chui vào hang để đào quặng ở độ sâu chừng 10 - 15m, đang đào đột nhiên hầm bị sập khiến ba thanh niên ở bản Đồng Huống, xã Châu Quang chết tại chỗ. Đau đớn vô cùng”, K, nhớ lại.
Qua chuyện trò với những công nhân ở mỏ, những câu chuyện “chết chóc” với công nhân và người dân nơi đây đó là chuyện bình thường và hầu hết các vụ tai nạn đều bị chủ mỏ ém nhẹm, thỏa thuận đền bù vài chục triệu đồng cho gia đình các nạn nhân là xong, rồi đâu lại vào đấy.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn, những mỏ quặng thiếc vẫn ngày đêm vang rền tiếng máy hòa lẫn với tiếng nổ mìn phá đá âm âm vang lên giữa chốn núi rừng heo hút. Những phu quặng thiếc vẫn ngày ngày chui xuống những cái hang sâu thẳm, tối tăm và hiểm nguy luôn rình rập để mong kiếm được ít tiền chăm lo cho cuộc sống khốn khó của gia đình ở quê nhà.
Rời núi rừng Quỳ Hợp khi sương chiều đã bao phủ lên những đỉnh núi cao sừng sững, thấp thoáng trên các sườn đồi là những ánh đèn lấp lánh ở các điểm mỏ. Nhìn thấy dáng hình còm cõi của những công nhân đang tất bật chuẩn bị bữa tối hiện lên trong ánh sáng mờ ảo mà lòng không tránh khỏi trĩu nặng.