"Người gác cửa" của tờ báo

Xã hội - Ngày đăng : 18:20, 18/06/2020

(TN&MT) - Phòng Thư ký - Biên tập trong cơ quan báo chí thường được ví với nhiều từ mỹ miều "trái tim của tờ báo”, song cũng có những từ hài hước: "Người gác cổng”, “Phòng bếp núc Tòa soạn” hay những người "nuôi con mọn”… Với từ nào cũng thật đúng và nhiều ý nghĩa.

Mỗi bộ phận, mỗi phòng ban trong một cơ quan báo chí được ví như một mắt xích quan trọng để vận hành nhịp nhàng xuất bản những ấn phẩm báo chí hay, đặc sắc. Sản phẩm báo chí mang đậm sản phẩm trí tuệ của tập thể sáng tạo. Một tác phẩm báo chí đến được với công chúng, phải qua nhiều khâu phối hợp và kiểm duyệt như: Phóng viên khi viết xong bài sẽ chuyển lên lãnh đạo phòng duyệt. Sau đó, bài được chuyển lên Phòng Thư ký - Biên tập để các Biên tập viên tiếp tục “gọt giũa”, tu sửa, căn chỉnh nội dung, số chữ, tin bài, ảnh để bộ phận họa sĩ dàn trang. Lãnh đạo Phòng Thư ký - Biên tập duyệt và trình Ban Biên tập duyệt trước khi gửi nhà in. Phòng Thư ký - Biên tập trong cơ quan báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng để xuất bản các ấn phẩm đặc sắc.

Phòng Thư ký - Biên tập trong cơ quan báo chí thường được ví với từ mỹ miều "trái tim của tờ báo”. Ảnh: Hoàng Minh

Bộ phận Thư ký Tòa soạn thuộc Báo Tài nguyên và Môi trường có 6 nhân sự làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện kế hoạch tuyên truyền của Ban Biên tập. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bộ phận Thư ký Tòa soạn luôn xuất bản báo đúng kỳ, đủ số, với 8 số/tháng và ấn phẩm Dân tộc miền núi với 2 số/tháng. Mỗi số báo thường gồm 16 trang, mỗi số báo đặc biệt từ 60 đến hơn 100 trang và mỗi ấn phẩm Dân tộc miền núi gồm 40 trang đảm bảo chất lượng nội dung và hình thức trình bày. Các tin, bài được biên tập ngắn gọn, xúc tích, phù hợp với đặc thù của tờ báo ngành Tài nguyên và Môi trường. Ma két các số báo được cải tiến, trình bày đẹp, hấp dẫn, dễ tiếp nhận thông tin, hạn chế thấp nhất sai sót.

Mỗi số báo thường gồm 16 trang, một Biên Tập viên phải làm một khối lượng công việc khá lớn, như: Đọc, biên tập bài khoảng 30.000 chữ cho 16 trang báo, biên tập tin, bài, ảnh của PV, Cộng tác viên gửi đến ở tất cả các lĩnh vực, phải bảo đảm tính thời sự, không có lỗi nội dung, lỗi văn bản… theo đúng tôn chỉ và mục đích của Báo Tài nguyên và Môi trường. Để có được trang báo hấp dẫn, phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ bài viết của PV, đến khâu biên tập, rút “tít”, chọn hình ảnh thật sinh động… đến trình bày, soát lỗi… Bất cứ công đoạn nào cũng cần làm việc một cách hết sức nghiêm túc và tập trung cao độ mới cho ra được sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Thời gian làm việc cao điểm của bộ phận Thư ký Tòa soạn là khi, mọi trang bông của tờ báo đã đầy đủ. Ban Biên tập trực tiếp có mặt, đọc lại và ký duyệt từng trang. Những bản bông sẽ được tập hợp và lưu lại hàng ngày, bản PDF được ký duyệt và chuyển tới nhà in.

Bộ phận Thư ký Tòa soạn và Ban Biên tập là những người phải về muộn nhất Tòa soạn. Những ngày làm việc đến 21 giờ, 22 giờ, có những số báo đặc biệt, bộ phận Thư ký Tòa soạn thức thâu đêm để xuất bản những ấn phẩm đẹp. Những ngày làm báo cũng là những ngày bữa cơm tối với gia đình được thay bằng bữa ăn vội vàng cùng đồng nghiệp. Bởi phía trước là con chữ, trang báo, là sự chính xác, là tiến độ… của toàn ekip làm báo. Thoảng trong bộn bề với công việc, với những trang báo chạy đua với thời gian ấy, các nữ Nhà báo ở Tòa soạn là nỗi lo về con cái, về gia đình…

Hiểu được đặc thù công việc của nghề Thư ký Tòa soạn nên ekip Thư ký Tòa soạn Báo Tài nguyên và Môi trường hiểu nhau và làm việc rất ăn ý. Sự chia sẻ, thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ nhau trong công việc của từng cá nhân trong Tòa soạn là tình cảm, niềm động viên và thúc đẩy nhau làm việc hăng say, tỷ mỉ và cẩn trọng hơn…

Hồng Phương