Để Hà Nội không còn khói rơm, rạ: Đâu là giải pháp?

Môi trường - Ngày đăng : 16:10, 18/06/2020

(TN&MT) - Đốt rơm, rạ sau thu hoạch là thói quen lâu đời của người dân. Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, chính quyền cần giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Những hạn chế trong xử lý rơm, rạ

Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội bao gồm: Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và Công an TP vừa kết thúc đợt kiểm tra tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại khoảng 20 quận, huyện, thị xã.

Qua thực tế, Đoàn kiểm tra cho biết, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương trong vụ Xuân 2020 có giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, chưa địa phương nào khẳng định là đã chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch.

Nguyên nhân chính là do thói quen của người dân từ xưa là đốt rơm, rạ tại ruộng. Hơn nữa, nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí còn hạn chế.

Bà Lê Thị Hải – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn chia sẻ với Đoàn kiểm tra liên ngành

Ngoài ra, theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Chương Mỹ, do điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc triển khai các biện pháp xử lý rơm, rạ, nhất là việc dùng chế phẩm sinh học để phân hủy gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc dùng rơm, rạ làm thức ăn chăn nuôi hoặc trồng nấm vẫn thiếu những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao để lan rộng trong cộng đồng.

Cùng với đó, việc phát hiện và chế tài xử lý hành vi đốt rơm, rạ còn nhiều bất cập. Hầu hết các địa phương đều không áp dụng được các chế tài xử phạt hành vi này mà chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân.

“UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng đi tuần tra, xử lý nhưng rất khó để phát hiện hoặc bắt quả tang người dân đốt rơm, rạ. Đến nay, huyện chưa xử phạt được trường hợp nào về hành vi đốt rơm, rạ”, bà Lê Thị Hải – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, chia sẻ.

Đồng bộ các giải pháp

Làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành, các địa phương đều cho rằng, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm, rạ đến môi trường và sức khỏe con người; khuyến khích các mô hình sản xuất sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng cho các địa phương làm tốt công tác thu gom, xử lý rơm rạ hiệu quả.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí tiếp tục triển khai xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học; Tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, quy trình xử lý rơm, rạ đúng tiêu chuẩn; Sớm ban hành chỉ thị cấm đốt rơm, rạ và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi cố tình đốt rơm, rạ.

Theo đại diện Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, các chương trình, dự án hạn chế đốt rơm rạ được triển khai thời gian qua ở các địa phương mới chỉ dừng ở thí điểm mô hình, chưa thể nhân đại trà nên lượng rơm rạ tái sử dụng không nhiều. Để hướng tới mục tiêu “thành phố không đốt rơm rạ” vào cuối năm 2020, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương và từng người dân chung sức thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Bên cạnh việc đề nghị thành phố khởi động lại chương trình hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm sinh học cho người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo Chỉ thị cấm đốt rơm rạ. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố đưa chỉ tiêu không đốt rơm rạ vào bình xét hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, lãnh đạo UBND cấp huyện chịu trách nhiệm với UBND thành phố khi trên địa bàn xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Phạm Oanh