Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Đổi mới để đáp ứng kỳ vọng của đại biểu và cử tri

Môi trường - Ngày đăng : 06:32, 18/06/2020

(TN&MT) - Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng: Rất ít dự án Luật mới có nhiều chính sách mang tính đột phá như vậy

Môi trường là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước, bên cạnh kinh tế và xã hội. địa vị, vị thế Việt Nam trên thế giới hiện nay đã ở mức cao, khác rất xa so với lúc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2015, nên công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải ở mức cao hơn nhiều.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội

Tôi đánh đánh giá cao sự đổi mới mạnh mẽ của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 13 chính sách lớn, rất ít dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính đột phá như vậy. Tuy vậy, đổi mới càng nhiều thì trở ngại càng lớn, dẫn tới việc xây dựng Luật càng khó và rất khó để thể hiện được khát vọng của Chính phủ vì một Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu.

Tuy vậy, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ có một dự án Luật tốt phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và để có một cuộc sống tốt của người dân Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ qua sự quyết tâm và dũng cảm đổi mới của Chính phủ và cơ quan soạn thảo, từ sửa một số điều đến sửa đổi tổng thể, từ 7 chính sách mới thành 13 chính sách mới với nhiều quy định quan trọng.q

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Doanh nghiệp làm tốt BVMT sẽ ít bị thanh, kiểm tra                                

Có thể nói thanh tra là một trong những hoạt động, công cụ quản lý Nhà nước nhằm thực hiện nhiều mục tiêu, trong đó, có mục tiêu bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Thanh tra đột xuất là một trong các hình thức thanh tra được tiến hành khi có vụ việc, có khiếu nại tố cáo, có tin báo tố giác hoặc khi có vi phạm pháp luật, hoặc là trong các trường hợp được thủ trưởng giao. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh tra, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường, một lĩnh vực mà chúng ta thấy là còn nhiều vi phạm gây ảnh hưởng, tác động rất lớn tới môi trường thì tôi cho rằng thanh tra đột xuất là không cần phải báo trước. Nếu có vi phạm pháp luật mà chúng ta tiến hành thanh tra nhưng chúng ta lại phải báo trước, vô hình chung tạo điều kiện cho người vi phạm có thời gian, điều kiện để hủy bỏ chứng cứ để đối phó cơ quan Nhà nước. Như vậy sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động thanh tra.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Về quy định của dự thảo Luật, đối với DN chấp hành tốt pháp luật về BVMT, tần suất bị kiểm tra thanh tra sẽ giảm đi. Tôi cho rằng, đây là một quy định hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Từ đó, sẽ khuyến khích các DN chấp hành tốt hơn pháp luật về BVMT, khuyến khích họ ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BVMT. Đây chính là điểm thưởng cho DN. Điều này, làm giảm số lượng đoàn kiểm tra của cơ quan Nhà nước, chi phí kiểm tra, thanh tra cũng sẽ giảm đi. Một số nước đã quy định như vậy.

Một số lĩnh vực khác của chúng ta cũng đã có nhưng quy định tương tự. Ví dụ như trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, lĩnh vực hải quan. Do vậy tôi rất nhất trí với dự thảo Luật có quy định khuyến khích quy định ít thanh tra, kiểm tra đối với các DN chấp hành tốt Luật BVMT.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Luật sẽ đáp ứng được tinh thần "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế"

Luật tạo ra khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hành vi. Trước hết, đó là sự tuyên bố về mặt chính sách; tiếp theo là sự thẩm thấu các quy định về lĩnh vực BVMT vào đời sống xã hội, từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của môi trường. Với dự thảo Luật này, công tác BVMT phải tạo ra một cuộc cách mạng thật sự chứ không chỉ nói suông.

Tất nhiên, nếu chúng ta kỳ vọng đạo luật này có thể giải quyết hết những bất cập, cũng như tự nó mang lại những giá trị tốt đẹp mà ta mong muốn, là điều không thể. Bởi lẽ, có luật rồi vẫn có thể tồn tại sự dối trá của doanh nghiệp (DN) trong những hồ sơ về môi trường khi xin đầu tư. Nhưng Luật sẽ giúp chúng ta có cơ sở đánh giá, xử lý nghiêm minh các vi phạm. Luật này được ban hành có thể sẽ đáp ứng được tinh thần "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" như Chính phủ trình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Dự thảo luật đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính; tích hợp từ 7 "giấy phép con" chỉ còn 1 giấy phép môi trường.

Tôi rất đồng tình với quan điểm "7 trong 1" mà Chính phủ đã thể hiện trong Tờ trình trước Quốc hội. Việc tích hợp giúp giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết. Nếu đánh giá đầy đủ tính hiệu quả của việc này, mỗi năm có thể giúp tiết kiệm cho người dân, DN, Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Nếu bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết sẽ đem lại lợi ích chung cho cả xã hội. Tôi nghĩ việc làm này sẽ được người dân và DN rất ủng hộ.

Liên quan đến thực trạng công tác kiểm tra, thanh tra có sự chồng chéo giữa lực lượng thanh tra tài nguyên - môi trường và cảnh sát môi trường, tôi cho rằng, phải phân định rõ: Cảnh sát môi trường là lực lượng giúp ngành công an thực hiện chức năng phòng chống tội phạm chứ không phải là phòng chống vi phạm pháp luật. Còn chức năng quản lý Nhà nước, trong đó có thanh - kiểm tra, chính là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Hai vấn đề này khác nhau. Nếu như lúc nào 2 lực lượng này cũng "kè kè" bên DN thì DN sẽ rất khó làm việc.

Theo tôi, việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá, xem xét, xử lý việc chấp hành pháp luật nên giao cho cơ quan quản lý Nhà nước. Còn việc trinh sát, phòng chống tội phạm về môi trường thì giao cho cảnh sát môi trường. Để tránh tình trạng sáng gặp thanh tra của ngành tài nguyên - môi trường, chiều lại gặp cảnh sát môi trường hoặc gặp cùng lúc cả hai lực lượng, Thủ tướng Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền để tránh chồng chéo.q

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long: Thanh, kiểm tra đột xuất mới ngăn chặn được cái xấu trong môi trường

Vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng quan trọng và trở thành vấn đề luôn được các cử tri, các tầng lớp nhân dân quan tâm và chất vấn.

Với những mục tiêu và những điều khoản mới trong Dự án Luật BVMT (sửa đổi) được bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời, góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm, tôi tin tưởng rằng, sau khi Luật có hiệu lực thi hành chắc chắn sẽ nhận được đông đảo nhân dân ủng hộ. Song song với đó là công tác triển khai, tổ chức những quy định của Luật phải được minh bạch, khách quan.

Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Tôi tán thành những nội dung thanh tra, kiểm tra đột xuất được nêu trong dự thảo Luật, bởi việc thông báo trước không bao giờ thanh tra, phát hiện được những cái xấu trong môi trường. Việc thanh, kiểm tra đột xuất mới đạt hiệu quả và người dân hài lòng hơn.

Ngoài ra, tôi cũng lưu ý cần giải quyết được vấn đề đang vướng mắc hiện nay về việc chồng chéo và trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mỗi khi có vấn đề về môi trường, ô nhiễm.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP. Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Bảo vệ môi trường tốt hơn nhưng Luật phải thông thoáng hơn

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế đặt ra những vấn đề rất mới về bảo vệ môi trường. Tôi kỳ vọng Luật lần này bảo vệ môi trường tốt hơn nhưng phải thông thoáng hơn.

Về một số điểm mới của dự thảo Luật BVMT sửa đổi, tôi đánh giá cao đề xuất tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường. Đó là đề xuất có trách nhiệm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cải cách hành chính, chặt chẽ nhưng thông thoáng, khoa học, khả thi. Quản lý bằng công cụ hướng dẫn hành vi chứ không phải bằng các thủ tục rườm rà, trói buộc.

Ông Ngọ Duy Hiểu (Đoàn đại biểu TP. Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, tôi cho rằng, rất cần phân định rõ nhiệm vụ giữa lực lượng thanh tra chuyên ngành và lực lượng cảnh sát môi trường để tránh chồng chéo, làm khó các cơ quan doanh nghiệp. Ta phải xác định ngay trong luật nội hàm của thanh tra, kiểm tra; điều kiện thanh tra, kiểm tra. Trường hợp nào thì lực lượng thanh tra tiến hành, khi nào thì lực lượng cảnh sát môi trường vào cuộc. Dự thảo Luật chưa cụ thể hóa được vấn đề này, sẽ khó cho quá trình thực hiện.

Mặt khác, tôi rất ủng hộ việc thanh tra đột xuất không báo trước, điều này giúp cho cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra đánh giá chính xác thực trạng tình hình, tính chất, mức độ vi phạm, phòng ngừa việc đối phó, giấu diếm vi phạm của đơn vị được thanh tra. Tuy nhiên, trong dự thảo luật cần quy định cụ thể điều kiện thanh tra đột xuất, chủ thể có quyền ra quyết định thanh tra đột xuất, tránh việc tùy tiện, gây khó dễ, phiền hà cho doanh nghiệp.q

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh  Bạc Liêu) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Tích hợp giấy phép môi trường: “Tránh 1 cửa mang 7 khóa”

Việc tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường được doanh nghiệp đánh giá cao. Dù vậy, đây là việc phải làm. Việc tích hợp này mang lại các lợi ích: Trước hết, về thủ tục, quy trình thủ tục sẽ đơn giản, tiết kiệm thời gian cho DN, thống nhất về mặt quản lý Nhà nước và làm rõ về đầu mối phải chịu trách nhiệm. Tuy vậy, tích hợp phải chất thực sự. Đã thu được từ 7 cửa trước kia thành 1 cửa hiện nay thì nên tránh tình trạng 1 cửa nhưng lại mang 7 cái khóa khác nhau, 1 giấy phép nhưng gồm 7 nội dung, 7 quy trình khác nhau. Như thế chỉ là tích hợp về mặt cơ học chứ chưa thực sự cải cách thủ tục hành chính, cải cách quy trình.

Ông Tạ Văn Hạ (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh  Bạc Liêu) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Về quan điểm “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” trong dự thảo Luật, tôi đánh giá cao nhận thức của Chính phủ, Nhà nước về vấn đề môi trường, nhưng thực hiện như thế nào, lộ trình ra sao để kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và tăng trưởng thì cần có bước đi cụ thể và hiệu quả.

Bình Minh - Kỳ Anh (ghi)