Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và khát vọng “xanh” của Việt Nam
Môi trường - Ngày đăng : 06:31, 18/06/2020
Đổi mới mang tính chất đột phá…
“Rất ít dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính chất đột phá như vậy!” - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận xét về tính tính đổi mới mạnh mẽ của Dự án Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) sửa đổi, do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) soạn thảo.
Sự đổi mới này thể hiện từ quá trình sửa đổi một số điều đến sửa đổi tổng thể, từ 7 chính sách mới nâng lên 13 chính sách mới, nhằm tạo nên một Luật khung về BVMT, có sức sống dài lâu, đồng thời giải quyết được ngay những vấn đề bất cập đặt ra từ thực tiễn. Với vai trò là một đạo luật cơ bản về BVMT, Luật BVMT phải đảm bảo được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ về những điểm mới của Dự thảo Luật BVMT sửa đổi. Ảnh: Khương Trung |
Tính đồng bộ, thống nhất về quản lý Nhà nước được thể hiện rõ, khi lần đầu tiên, đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật, đưa các chức năng quản lý Nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ về Bộ TN&MT như quản lý chất thải rắn, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường; phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Với định hướng này, Luật sẽ phân định rõ vai trò quản lý với việc tổ chức thực hiện, xác định rõ được đơn vị nào chịu trách nhiệm chính trong vấn đề môi trường. Đồng thời, giải quyết mối quan hệ giữa bộ luật mang tính cơ bản với các luật chuyên ngành.
Một cải cách mạnh mẽ trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi là cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20 - 75%. Dự thảo Luật dự kiến góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giây phép môi trường; không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doạn nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT. Với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, người đứng đầu ngành TN&MT Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích, đây không phải là sự buông lỏng quản lý. Bởi trước nay, tất cả dự án, từ dự án trong lĩnh vực ô nhiễm nhất, nguy cơ ô nhiễm cao nhất cho đến các dự án thân thiện với môi trường nhất đều phải làm thủ tục như nhau. Trong khi đó, những dự án ô nhiễm chỉ chiếm 1/5 (tức 20%), với khoảng 300 - 400 doanh nghiệp nhưng chiếm đến 80% ô nhiễm ở nước ta, còn 80% các dự án là dự án thân thiện với môi trường. “Chúng ta phải phân loại dự án, trải “chiếu xanh” và bỏ thủ tục, không gây ra phiền nhiễu cho doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Chúng ta tập trung nguồn lực ít ỏi của Trung ương và địa phương để quản lý các dự án gây ô nhiễm. Các dự án gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm, sẽ được phân loại thành 17 nhóm để tập trung quản lý, thông qua công nghệ thông tin, hậu kiểm thay cho tiền kiểm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trăn trở bài toán bảo vệ môi trường và đảm bảo cho tăng trưởng, người đứng đầu ngành TN&MT đặt câu hỏi: “Việt Nam chúng ta bây giờ đang đứng ở đâu? Liệu có tiếp tục chấp nhận hi sinh môi trường, nhân công giá trẻ để thu hút đầu tư?” Nhìn nhận trực diện vào hiện trạng: Môi trường Việt Nam hiện nay đã ở mức ô nhiễm ngang bằng và hơn nhiều nước, không còn khả năng tiếp nhận, không cho phép đánh đổi. Con người Việt Nam cũng giống như các công dân trên thế giới, đều có quyền được sống trong môi trường trong lành. Vì vậy, theo Bộ trưởng: “Chúng ta sẽ không chịu để chất lượng môi trường tiếp tục xuống cấp nữa!”. Muốn chặn đà suy thoái của môi trường, trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã xây dựng hàng rào kỹ thuật, nguyên tắc và cơ chế để sàng lọc dự án -đó là quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường tương đồng với các nước phát triển. Vậy điều này có ảnh hưởng đến kinh tế?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, trong thời gian ngắn hạn từ 3 - 5 năm, kinh tế có thể bị tác động, nhưng sau 5 năm, đầu tư cho môi trường bằng công nghệ hiện đại sẽ chứng minh rằng nó mang lại cả hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Còn với cách quản lý như hiện tại, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, có khoảng 5% GDP chi phí phải trả mà chúng ta chưa bao giờ hạch toán, gián tiếp và trực tiếp liên quan đến quản lý chất lượng môi trường.
Không chỉ đặt ra hàng rào kỹ thuật, dự án Luật BVMT sửa đổi còn đề xuất điểm mới trong việc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, việc thanh tra, kiểm tra đột xuất về BVMT không cần thông báo, công bố trước để đảm bảo tính hiệu quả; sẽ hạn chế thanh, kiểm tra đối với các doạn nghiệp thực hiện tốt bảo vệ môi trường; quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm để phù hợp với tính chất các vi phạm về môi trường…
Đồng thời, để triển khai các chính sách có hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng, cần dựa trên tinh thần: Chính sách, mục tiêu đặt ra đi kèm với điều kiện về tổ chức, kinh phí. Chúng ta sẽ xã hội hóa, chuyển dần đầu tư từ Nhà nước sang tư nhân. Hiện nay, ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường là 1% GDP, nhiệm vụ chỉ được chi thường xuyên; trong khi cần quan tâm môi trường ngay từ các dự án đầu tư phát triển. Phương án đặt ra là cần có sự đầu tư từ tư nhân, đồng thời, Nhà nước cũng cần đầu tư cân xứng với đầu tư kinh tế - xã hội để đảm bảo được chất lượng môi trường. “Chúng tôi mong muốn có mục lục ngân sách, gồm hai ô: một là chi đầu tư phát triển, một là chi sự nghiệp. Kinh phí này hiện ở các nước là từ 3 - 5% GDP”, Bộ trưởng cho hay.
Ảnh minh họa |
…Và khát vọng của Việt Nam
Chia sẻ quá trình xây dựng dự thảo Luật BVMT sửa đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trăn trở: “Bộ Luật này sẽ phải đi vào thực tế. Khi Bộ luật này ban hành, những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đặc biệt những thành phần môi trường ô nhiễm có được cải thiện hay không? Và sau 5 năm được tổ chức thực hiện, có đảo ngược được xu thế ô nhiễm hay không?”
Càng muốn cải thiện môi trường Việt Nam bao nhiêu, yêu cầu phải xây dựng một bộ Luật về bảo vệ môi trường có tính đổi mới, tính “cách mạng” lại đặt ra bức thiết bấy nhiêu.
Có thể nói, sự đổi mới của Dự án Luật BVMT sửa đổi là tất yếu, khi Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; trong khi môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi đã không còn khả năng tiếp nhận chất thải; nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững cần sớm được thể chế hóa; thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường. Trong bối cảnh đó, sửa Luật đặt ra là yêu cầu bắt buộc; song đổi mới có tính toàn diện, đột phá, nhằm tạo nên cuộc Cách mạng trong công tác BVMT lại thể hiện ý chí, sự dũng cảm của những người làm luật.
Biết rằng, đổi mới càng nhiều, trở ngại càng lớn, xây dựng Luật càng khó. Song vượt lên nhiều khó khăn, thử thách đó, việc đổi mới mạnh mẽ Luật BVMT càng cho thấy nỗ lực và khát vọng lớn lao của Chính phủ, của những nhà quản lý về một tương lai bền vững hơn, vì một Việt Nam hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới…