Bộ TN&MT: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020

Thời sự - Ngày đăng : 14:02, 17/06/2020

(TN&MT) - Sáng 17/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2020 tại điểm cầu Trụ sở Bộ và các điểm cầu trực tuyến khác.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Hoa, ông Nguyễn Văn Yên - Vụ trưởng Vụ Theo dõi các Vụ án, Vụ việc, Ban Nội chính Trung ương; ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Thực hiện Quyết định số 861/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”, đồng thời nghiêm túc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ TN&MT đã luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu tại Hội nghị.

 Tại Hội nghị lần này, tôi hi vọng rằng sẽ tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng tới toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức người lao động của các đơn vị trực thuộc Bộ trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, đồng thời đề nghị các đồng chí Bí thư cấp ủy, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 14/KH-BTNMT ngày 04/11/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 phải được thực hiện thống nhất, đầy đủ trong các đơn vị trực thuộc Bộ, gắn việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng với việc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan; đặc biệt là 02 đơn vị xây dựng mô hình điểm là Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Môi trường.

Hai là, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả. 

Phải bảo đảm quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng; dựa trên quan điểm cơ bản, lâu dài, lấy việc phòng ngừa là chính; việc phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng và cấp bách. 

Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng dù bất kể người đó là ai.

Ba là, trong quá trình tổ chức thực hiện, hàng năm các đơn vị trực thuộc Bộ phải có báo cáo tổng kết, đánh giá những ưu điểm, những tồn tại, hạn chế, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp để công tác phòng, chống tham nhũng thực hiện có hiệu quả.

Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ 

Tại Hội nghị, ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 gồm 10 chương với 96 điều, được sửa đổi khá toàn diện, bao gồm các nội dung cơ bản như: Những quy định chung; Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; Trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước…

Trong Luật mới, quy định về các hành vi tham nhũng được chỉnh lý, làm rõ cho phù hợp và đồng bộ với quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm tham nhũng. Phạm vi điều chỉnh được mở rộng, ngoài hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước còn có những hành vi vi phạm của các tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Trong đó, hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện, bao gồm: 12 hành vi trong đó có 7 hành vi thuộc nhóm tội phạm tham nhũng; 4 hành vi thuộc nhóm tội phạm khác theo quy định của Bộ luật hình sự nhưng có thêm yếu tố vụ lợi là một yếu tố quan trọng của hành vi tham nhũng; 1 hành vi (nhũng nhiễu vì vụ lợi) được quy định trong Luật này.

Toàn cảnh Hội nghị

Còn, các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Đặc biệt, các quy định về phòng ngừa tham nhũng được coi là nội dung cơ bản của đạo luật Phòng, chống tham nhũng kể từ khi được ban hành và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong đạo luật lần này. 

Đồng thời, xác định việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Luật cũng giải thích rõ về khái niệm công khai, minh bạch như sau: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị là việc công bố, cung cấp thông tin, giải trình về tổ chức bộ máy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị….

Ông Nguyễn Văn Yên - Vụ trưởng Vụ Theo dõi các Vụ án, Vụ việc, Ban Nội chính Trung ương

Chia sẻ về một số vụ việc, vụ án tham nhũng trong thời gian vừa qua do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Yên - Vụ trưởng Vụ Theo dõi các Vụ án, Vụ việc (Vụ 1), Ban Nội chính Trung ương cho biết: Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý 215 vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng. Sau nhiều năm lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng nhận thấy, hành vi tham nhũng luôn luôn đi cùng với hành vi vi phạm trong quản lý kinh tế. Đằng sau những sai phạm trong quản lý kinh tế thường có dấu hiệu tiêu cực, vụ lợi, tham nhũng. 

Số các vụ án, vụ việc mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý và đã kết thúc được 69 vụ án và 70 vụ việc, đang tiếp tục theo dõi, chỉ đạo 59 vụ án và 20 vụ việc. Các vụ án xảy ra rất rộng, trên nhiều lĩnh vực, không giới hạn trong phạm vi nào. Trong đó, có nhiều vụ án, vụ việc có liên quan đến vấn đề sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản….

Phạm Oanh - Thu Trang