Đề xuất chi trả kết quả thực hiện REDD+ tại Việt Nam

Tin tức - Ngày đăng : 14:11, 16/06/2020

(TN&MT) - Việt Nam đang dự thảo Đề xuất chi trả kết quả thực hiện REDD+ của Việt Nam để gửi tới Quỹ khí hậu xanh (GCF), với mức chi trả đề xuất là 150 triệu USD trong giai đoạn 2021 – 2025. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện REDD+ diễn ra ngày 16/6, tại Hà Nội.

Hội thảo quốc gia Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm thực hiện REDD+ diễn ra ngày 16/6

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 -2020 và thực hiện REDD+, Việt Nam đã hoàn thành 4 trụ cột của khung Vác-xa-va cho REDD+, bao gồm: Chương trình hành động quốc gia về REDD+; đã xây dựng mức phát thải tham chiếu/đường phát thải cơ sở từ rừng; có Hệ thống giám sát rừng quốc gia và Hệ thống đo đạc, báo cáo, kiểm chứng MRV đang được thực hiện cho giai đoạn 2010 – 2020; có hệ thống thông tin đảm bảo an toàn. Như vậy, Việt Nam đã có đủ điều kiện để có thể nhận được các khoản chi trả dựa trên kết quả từ REDD+.

GCF đang thực hiện chương trình thí điểm chi trả cho các quốc gia trên cơ sở kết quả thực hiện REDD+ giai đoạn 2014 – 2018. Hiện, GCF đã phê duyệt đề xuất của 10 quốc gia, đơn giá 5 USD/tCO2e và mức chi trả tối đa là 30 triệu tấn. Theo ông Nguyễn Đình Hùng, đại diện Viện Điều tra, Quy hoạch và Phát triển rừng (Bộ NN&PTNT), kết quả tính toán mới nhất của Viện cho thấy, trong giai đoạn 2014 – 2018, lượng phát thải/tăng hấp thụ ròng của rừng ở Việt Nam là hơn 270 triệu tCO2e.

Ông Vũ Tấn Phương, chuyên gia tư vấn chia sẻ, việc xây dựng Đề xuất chi trả REDD+ của Việt Nam do Cơ quan Phát triển Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện và đến nay đã hoàn thành dự thảo đề xuất chi tiết, đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng từ Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT. Tổng lượng chi trả đề xuất là 30 triệu tCO2e, tương đương 150 triệu USD.

Dự kiến việc đầu tư được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 tại 3 vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, Nam Trung Bộ. Diện tích rừng của 3 vùng là 8,4 triệu ha, chiếm 56% diện tích rừng toàn quốc và 76% lượng giảm phát thải/hấp thụ. Nội dung đầu tư cho 4 hợp phần là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về giảm phát thải; thúc đẩy quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các bon rừng; thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững sinh kế; quản lý và giám sát phát thải.

REDD+ tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng 

Cũng tại hội thảo, Văn phòng Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 -2020 và thực hiện REDD+ đã chia sẻ kết quả kết quả sơ bộ thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, đại diện các địa phương có dự án REDD+, các tổ chức quốc tế và trong nước đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện REDD+ trong thời gian qua.  Nhìn chung, REDD+ đã đem lại những thay đổi căn bản, chuyển trọng tâm từ “rừng nhiều hơn” sang “ rừng tốt hơn”; tăng cường nhận thức và thể chế hóa giá trị của rừng một cách toàn diện. Đặc biệt, đã tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài ngành lâm nghiệp. Doanh nghiệp tham gia bảo vệ rừng và hình thành chuỗi cung ững bền vững, tăng giá trị lâm sản.

Hiện, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến tham vấn của các bên liên quan về dự thảo Quyết định về “Thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng”, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, 4 địa phương tham gia thí điểm là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

 

Khánh Ly