Đề xuất cơ chế mới cho dự án nhà giá rẻ: Không nên chỉ “hô khẩu hiệu”

Bất động sản - Ngày đăng : 18:15, 15/06/2020

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tới đây sẽ có nhiều cơ chế mới ưu đãi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.

Áp dụng cơ chế mới để giảm giá thành

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, qua điều tra khảo sát, đánh giá nhu cầu nhà ở của người dân, cho thấy nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp còn yếu. Phát triển nhà ở xã hội mới đáp ứng 40% mục tiêu đề ra do pháp luật chưa có chính sách khuyến khích loại hình này.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu chính sách để thu hút nhà đầu tư vào nhà thương mại giá thấp. Nhóm giải pháp khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp cũng được Bộ Xây dựng đề xuất.

Nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ tại Hà Nội rất lớn.

Cụ thể: Nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp như: giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để cấp bù lãi suất cho vay.

“Điều 110 Luật Đất đai cho phép Chính phủ quy định miễn giảm tiền sử dụng dất. Với nhà ở thương mại giá thấp, chúng tôi đề xuất xem xét đề xuất giảm 50% tiền sử dụng đất. Tại các khu đô thị, ngoài 20% diện tích đất nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất có 20% nhà ở thương mại giá thấp”, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ.

Các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính để dự án thực hiện nhanh, thuận lợi hơn.

Ngoài ra, nhà đầu tư nhà thương mại giá thấp cũng được xem xét vay ưu đãi. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề xuất có thể chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ phát triển dự án, đồng thời đề xuất cơ chế Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án này.

Cần xóa cơ chế “trên giấy”

Trao đổi với phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, việc thực hiện những Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ tại nhiều địa phương vẫn còn chậm, chưa có tác động thực sự vào thị trường bất động sản. Doanh nghiệp mong muốn những chính sách đã ban hành thì phải có giải pháp và đặc biệt là những cơ quan thực hiện những giải pháp đó phải vào cuộc ngay.

Thực tế, tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều dự án đang trong tình trạng nằm “đắp chiếu”, chờ đợi phê duyệt. Thậm chí, có hàng trăm dự án đã hoàn thành thủ tục nằm trên bàn của các cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý.

“Chúng ta rất mong muốn tìm nhà ở giá rẻ nhưng nếu thiếu sự quyết tâm của cả hệ thống thì nhà ở giá rẻ chỉ dừng lại ở “hô khẩu hiệu”. Do vậy, Nhà nước cần điều chỉnh các quy định của pháp luật liên quan, vận dụng đổi mới xu hướng để điều chỉnh luật cho phù hợp để quản lý, nâng cao chất lượng đặc biệt và giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững” – ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Nhà nước vẫn phải có biện pháp riêng để tháo gỡ nút thắt về pháp lý. Bởi, trở ngại lớn nhất vẫn là pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng…

“Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục và chế tài xử lý minh bạch”, ông Nghĩa kiến nghị.

Giám đốc doanh nghiệp bất động sản chuyên về nhà giá rẻ chia sẻ, lâu nay, các cơ quan quản lý đã bàn luận khá nhiều về việc tạo cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ. Xong, trên thực tế, mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ” vì chính sách, cơ chế đều được thực thi rất chậm.

Có 3 yếu tố cấu thành nên giá của một sản phẩm bán ra thị trường. Nếu 3 yếu tố này không giảm thì giá bất động sản không thể nào giảm. Trong đó, quỹ đất hiện đang rất khan hiếm. Việc doanh nghiệp sở hữu được quỹ đất để phát triển dự án là điều không còn dễ dàng.

Thứ hai là chi phí xây dựng, so với 3 - 4 năm trước, mọi chi phí về nhân công, vật liệu xây dựng… để làm nên một dự án đều tăng. Điều này có nghĩa là giá thành bán ra không thể giảm được.

Thứ ba là chi phí tài chính, chi phí này cho một dự án hiện nay rất cao. Thủ tục pháp lý ngày càng chậm trễ, nghĩa là doanh nghiệp mất nhiều thời hơn gian để hoàn thành dự án. Khi kéo dài như vậy, chi phí đi vay và chi phí tài chính của đất tăng lên, cộng vào giá thành bán ra thì rất khó để BĐS có thể giảm giá sâu được.

Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ xem xét cho những doanh nghiệp phát triển nhà ở giá thấp được ưu đãi về vốn với mức lãi suất 7-8%. Đây là mức lãi suất thấp hơn nhiều lãi suất vay đầu tư bất động sản hiện nay” –  ông Vũ Văn Phấn - Cục phó Cục quản lý thị trường BĐS (Bộ Xây dựng).

Tuấn Minh