Đại biểu Nguyễn Thanh Hải: Quy hoạch kịp thời để giải toả “cơn khát” về tập kết rác

Trong nước - Ngày đăng : 13:00, 15/06/2020

(TN&MT) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt với địa phương, rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 144 ngày 6/10/2008 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xử lý rác, chất thải rắn ở ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Tại phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thanh Hải bày tỏ những lo ngại về môi trường, điểm tập kết và bãi rác trong nước.

Tập trung xử lý rác ở các vùng kinh tế trọng điểm

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, vấn đề rác thải sinh hoạt hiện nay đã và đang là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Đại biểu đặt bài toán, mỗi ngày mỗi người chúng ta chỉ xả ra một lượng rác thải khoảng 100 gram rác thải các loại, kể cả rác thải lương thực, thực phẩm, rác thải nhựa thì với 90 triệu dân một ngày chúng ta tiếp nhận 9 tấn rác; như vậy một năm chúng ta phải 3,3 triệu tấn rác thải các loại.

“Nhưng thật đáng buồn đây là con số tối thiểu, còn số thực tế rất lớn. Việc xử lý rác là vấn đề rất lớn, tốn kém rất nhiều kinh phí, trong điều kiện kinh phí khó khăn như hiện nay”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) thảo luận tại nghị trường

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt với địa phương, rà soát lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 144 ngày 6/10/2008 của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xử lý rác, chất thải rắn ở ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020, để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

“Vấn đề này cần triển khai thực hiện quy hoạch một cách nhanh chóng, kịp thời để giải tỏa cơn khát về tập kết rác, tập trung xử lý rác ở các vùng kinh tế trọng điểm và các tỉnh lân cận”, đại biểu Hải đề xuất.

Gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với các công trình thuỷ điện

Thảo luận về vấn đề chia sẻ nguồn nước, phát triển thuỷ điện và nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở vùng hạ du, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) cho biết, về xây dựng thủy điện vừa và nhỏ tại kỳ họp thứ Tám, Chính phủ đã có Báo cáo số 485 ngày 14/10/2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết 62 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện.

Báo cáo đã chỉ ra rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, hiệu quả xã hội như góp phần vào chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng. Nguồn thu từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã giúp các địa phương có thêm nguồn kinh phí chi cho đầu tư phát triển.

“Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ từ các giai đoạn trước đây đã để lại những hệ lụy như thay đổi môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học, thay đổi dòng chảy tự nhiên, mất nguồn lợi thủy sản...”, đại biểu Đinh Công Sỹ nói.

Để hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và bảo đảm sự quản lý của nhà nước, đại biểu Sỹ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trong các vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với các chủ đầu tư, chấp hành đúng các luật liên quan như bảo tồn đa dạng sinh học, về bảo vệ môi trường, thủy lợi. Đặc biệt là những cam kết của chủ đầu tư với người dân trước khi triển khai dự án.

Về chia sẻ nguồn nước, phát triển thủy điện và nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt ở vùng hạ du. Đồng thời, xem xét về chủ trương giao cho chủ đầu tư dự án thủy điện vừa và nhỏ, quản lý bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển rừng ở lưu vực đầu nguồn. Các dự án được trích lại một phần từ nguồn kinh phí dịch vụ, môi trường rừng và tiền lãi phát sinh từ trồng rừng thay thế.

Để thực hiện dự án nông lâm kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ phát triển rừng, sử dụng kinh phí dự phòng được trích tối đa 5% từ tiền dịch vụ môi trường rừng để điều tiết cho các lưu vực có đơn giá thấp hơn lưu vực khác trên địa bàn của các địa phương.

“Làm như vậy vừa gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với các công trình thủy điện cùng với chính quyền địa phương trong việc đầu tư trở lại hạ tầng, an sinh xã hội, đồng thời lại bảo đảm sự công bằng giữa các lưu vực sông”, đại biểu Sỹ đánh giá.

Tuyết Chinh – Khương Trung