Thị trường BĐS khó khăn, nhưng giá nhà đất không giảm

Bất động sản - Ngày đăng : 10:24, 13/06/2020

(TN&MT) - Nghịch lý đang diễn ra ở thị trường bất động sản (BĐS) khi dịch bệnh khiến lượng giao dịch giảm, nguồn cung khan hiếm, thị trường nhiều khó khăn nhưng giá lại không giảm.

Đại dịch Covid -19 làm cho thị trường BĐS khó chồng khó.

Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I/2020, tổng sản phẩm nhà ở chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm. Lượng giao dịch là 7.641 sản phẩm với tỷ lệ hấp thụ đạt 14,3%. Đây là lượng giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua. Thị trường BĐS vẫn tồn tại các khó khăn khi các vướng mắc về mặt pháp lý trong việc phát triển các dự án BĐS chưa được tháo gỡ; các địa phương vẫn thận trọng trong xét duyệt dự án; nguồn cung sản phẩm BĐS ra thị trường tiếp tục khan hiếm…

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam hiện đang ở mức cao, nhu cầu nhà ở cao. Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua tại đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM các dự án BĐS chậm được triển khai do các đợt thanh kiểm tra của cơ quan quản lý. Nguồn cung đầu vào của thị trường BĐS đang chững lại, thiếu nguồn cung. Do đó, dù dịch Covid-19 nhưng giá không xuống do khan hàng, nhất là nhà giá rẻ và trung bình vì đây là nhu cầu ở thực. 

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS sau khủng hoảng từ năm 2013 đã dần phục hồi và đạt đỉnh cao vào năm 2017. Tuy nhiên, tới 2018, thị trường bắt đầu khó khăn rõ rệt và trầm trọng hơn vào năm 2019. Đến đầu năm 2020, tưởng chừng thị trường có thể vượt qua khủng hoảng thì đại dịch Covid-19 lại làm trầm trọng thêm các khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm.

Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được cấp phép. Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá BĐS thời gian qua không vẫn không giảm.

"Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án BĐS uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn cung BĐS khan hiếm nghiêm trọng là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong các quy định pháp luật hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định, giá nhà đất chỉ có tăng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở giá bình dân, nhưng đến nay bán hơn 30 triệu đồng/m2. Nguyên nhân là do chi phí tăng nên phải đẩy giá lên, và cũng không ngoại trừ việc nguồn cung hạn chế đẩy giá nhà đất tăng. 

Đồng quan điểm, TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam nhận định, hàng loạt dự án đều có vướng mắc khó khăn là lý do khiến giá BĐS không giảm. Riêng TP.HCM mới đây đã trình Chính phủ 63 dự án liên quan đến việc cần tháo gỡ khó khăn. Nếu kéo dài tình trạng này thì sản phẩm BĐS dự kiến bán 25 - 30 triệu đồng/m2 sẽ phải bán lên 35 triệu đồng/m2. Hay nếu doanh nghiệp dự kiến giá 1.000 USD/m2 thì sau khi chạy lòng vòng các nơi phải đưa giá lên 1.500 USD/m2 mới có lời... 

Ông Trần Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ, để một dự án đắp chiếu lâu năm thì đương nhiên giá BĐS sẽ tăng lên vì các chi phí tài chính phát sinh buộc doanh nghiệp phải cộng vào.

“Giá trị BĐS khó giảm vào lúc này. Nếu có giảm thì do giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để bình ổn giá thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhiều người. Nếu chúng tôi vẫn giữ được kỳ vọng lợi nhuận như trước đây thì giá BĐS sẽ tăng. Chúng tôi cũng mong những nhà kinh doanh BĐS, môi giới chung sức để kích cầu thị trường, cùng các ban ngành chung tay đưa thị trường BĐS phát triển trở lại”, ông Dũng nói.

Về những vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, một trong những giải pháp trong thời gian tới là Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết khuyến khích nhà ở giá thấp bởi hiện nay thị trường đang lệch pha, BĐS cao cấp thì nhiều mà nhà giá thấp thì ít. Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ của Bộ Xây dựng mà còn liên quan các bên như Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành khác để đẩy mạnh phân khúc nhà giá thấp.

Cụ thể như, hỗ trợ về đất đai như thế nào để kéo giảm giá xuống, có thể cho doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất hay giảm tiền thuế cho phân khúc này không. Hay thậm chí có giải pháp hỗ trợ về vốn khi doanh nghiệp tham gia phát triển nhà giá thấp hoặc rất nhiều thủ tục liên quan trong hoạt động xây dựng thì sẽ được ưu đãi, ưu tiên gì để thực hiện phát triển nhà giá thấp... sẽ được tính đến.
 

Thục Vy