Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hà Nội
Trong nước - Ngày đăng : 19:37, 12/06/2020
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 63 quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Thủ đô đã đem lại một số kết quả bước đầu trong nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Tuy nhiên, các quy định về cơ chế tài chính, chính sách chưa thực sự phù hợp với nhu cầu phát triển của Hà Nội.
Theo ông Cương, quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đang đứng trước những thách thức như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững; tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng đô thị do gia tăng về dân số cơ học, quy hoạch xây dựng quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết một cách căn cơ. Trong khi quyền hạn và nguồn lực được giao cho chưa tương đồng với vai trò trách nhiệm nặng nề của Thủ đô cũng như cả nước và các vùng lân cận.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết |
Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhận định, việc xem xét bổ sung cơ chế chính sách tài chính ngân sách cho phép Hà Nội huy động các nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động ngân sách cho TP, phù hợp với thực tế phát triển. Cơ chế chính sách này còn góp phần vào mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại tiêu biểu cho cả nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hiện nay chưa có đánh giá tổng kết để điều chỉnh sửa đổi Luật Thủ đô, thì việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù lần này là thử nghiệm để có thêm cơ sở đánh giá các nội dung mới, có thể đưa vào sửa đổi Luật.
Ngoài ra, trong phần phát biểu của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ nhất trí cao với các cơ chế chính sách về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho biết, trong số 9 cơ chế Chính phủ trình Quốc hội thì có đến 7 cơ chế là tương đồng với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Đối với 2 nội dung khác, đại biểu Hoàng Văn Cường làm rõ, việc cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu thực chất là tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư. Đây là điều rất cần khuyến khích. Đối với cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố hỗ trợ các địa phương khác thể hiện được tinh thần “cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng các cơ chế chính sách đặc thù quy định cho Hà Nội là phù hợp |
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thêm, các cơ chế chính sách đã áp dụng thí điểm với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 hiện áp dụng hiệu quả, dần phát huy trên thực tế như việc bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí. Nếu xác định mức phí, lệ phí phụ thuộc vào nhu cầu phát triển dịch vụ công và khả năng chi trả, phù hợp với từng khu vực sẽ góp phần tạo ra được dịch vụ công tốt hơn.
Về việc ngân sách Thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, quy định này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch các cơ sở sử dụng các tài sản đất đai không hiệu quả. Hay như đối với đề xuất cho phép Thành phố Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và khuyến khích địa phương hỗ trợ doanh nghiệp quản trị tốt hơn và khi cổ phần hóa thu được giá trị cao hơn.
Còn đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại ví Hà Nội và TP HCM là “nhà mặt tiền của quốc gia”, có vị thế, vị trí hơn hẳn các địa phương khác. Riêng Hà Nội hơn tất cả địa phương khác khi là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội và là trái tim của cả nước. “Đã là trái tim thì chấp nhận các dòng máu đỏ, máu nóng, hay máu độc chảy về đây, nên cần sự thanh lọc, hy sinh, đóng góp của Hà Nội. Trái tim không khoẻ thì cơ thể không thể khoẻ”, ông Nhưỡng nói.
Đại biểu Lương Bình Nhưỡng cho rằng, việc Hà Nội xin cơ chế là đúng, nhưng xin cơ chế phải khác với chuyện xin nguồn lực, do vậy cần phải đánh giá rõ ràng. Bởi nếu không nguồn lực đổ về đây thì những chỗ khác bị ảnh hưởng. Theo ông, cái chính Hà Nội cần hiện nay là phát huy vai trò chính quyền, người lãnh đạo và sự phấn đấu của toàn bộ người dân.