Điện Biên: Hỗ trợ gần 51 tỷ đồng cho các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 10:55, 12/06/2020

(TN&MT) - Đến nay, 5.642 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã được nhận tiền hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng gần 51 tỷ đồng.

Gia đình ông Vũ Ngọc Viện, thôn Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa chăm sóc đàn lợn mới tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 4/3/2019 đến ngày 22/2/2020 tại 5.642 hộ chăn nuôi thuộc 100/130 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Tổng số lợn tiêu hủy là 23.569 con, trọng lượng 1.039.860 kg.

Để kịp thời hỗ trợ chủ vật nuôi và kinh phí phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, Điện Biên đã bố trí gần 51 tỷ đồng gồm: Kinh phí hỗ trợ chủ vật nuôi trên 37 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ tổ chức thực hiện (vật tư, trang thiết bị và hỗ trợ lực lượng tham gia chống dịch) là gần 14 tỷ đồng.

Trong đó kinh phí đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ là gần 41 tỷ đồng; ngân sách địa phương thực hiện trên 10 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên chỉ đạo các địa phương trong quá trình triển khai hỗ trợ không gây phiền hà cho người dân, đơn giản hóa các thủ tục chi trả. Với chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.

Tỉnh Điện Biên cũng yêu cầu các địa phương tổ chức các điểm chi trả phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, có sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.

Theo đánh giá của người dân, hiện nay tình hình chăn nuôi vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên khoản hỗ trợ trên sẽ giúp bà con có thêm kinh phí để tiếp tục tái đàn, ổn định hoạt động chăn nuôi. Tại các xã Thanh Chăn, Thanh Hưng và Thanh Xương, huyện Điện Biên là các địa phương thiệt hại lớn nhất của tỉnh Điện Biên, người dân cho biết, thiệt hại của đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 là rất nặng nề, khiến nhiều gia đình kiệt quệ về kinh tế. Dù nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh không nhiều, nhưng là nguồn động viên lớn giúp các hộ chăn nuôi bớt khó khăn, vững tin vượt qua tổn thất để vực lại chăn nuôi.

Hoàng Châu