Cần cam kết đúng tiến độ khi chuyển đổi đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Trong nước - Ngày đăng : 05:46, 12/06/2020

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ chuyển đổi sang đầu tư công đối với 03 dự án thành phần, gồm: đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn tuyến Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông từ hình thức đầu tư PPP sang dự án đầu tư công; tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường chiều 11/6. Ảnh: Quốc Khánh

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc chuyển đổi này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 đã bố trí cho dự án. Theo số liệu báo cáo tới nay tiến độ giải ngân được 8.386/55.000 tỷ đồng, đạt 15,25% và theo kế hoạch vốn bố trí đến năm 2020 mới đạt khoảng 30% tổng vốn đầu tư công. Như vậy là rất chậm và không đạt tiến độ vốn đầu tư công đã bố trí giai đoạn 2016 – 2020.

Đại biểu Trần Văn Tiến lưu ý, thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP thấp nên cần lượng vốn lớn đầu tư tập trung để phát triển kinh tế. Trong khi đó, khả năng huy động vốn tín dụng của các nhà đầu tư gặp khó khăn bởi các ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay các dự án PPP. Do đó, việc chuyển 3 dự án thành phần sang đầu tư công 100% bằng vốn ngân sách nhà nước sẽ mang lại hiệu quả và bảo toàn vốn cho nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm theo Luật Đầu tư công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và không được để chậm tiến độ so với đầu tư bằng hình thức PPP. Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải phải cam kết về việc bảo đảm đúng tiến độ thực hiện Dự án và cần được làm rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt đối với các đoạn chuyển sang hình thức đầu tư thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) kiến nghị, cần đánh giá tác động đến nợ công khi chuyển đổi hình thức đầu tư.

Theo đại biểu Hàm, theo báo cáo nợ công của Chính phủ, năm 2020, 2021 rất nhiều khoản nợ đến hạn trả. Số nợ phải trả lớn và bội chi phải tăng để khắc phục hậu quả của đại dịch covit 19 dẫn đến phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế, dư địa các quĩ tài chính ngoài ngân sách và ngân hàng thương mại để mua trái phiếu hạn hẹp.

Do vậy, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ của thị trường trái phiếu khi phát sinh các khoản vay mới, xem xét khả năng vay và giá phải trả để sắp xếp lại các khoản vay, ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách và cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc Khánh

Để triển khai được các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cần lượng vốn tín dụng rất lớn, đại biểu Hàm kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai 5 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc Nam và các dự án BOT trong thời gian tới.

Bên cạnh đó cần làm rõ phương án thu hồi vốn của các dự án chuyển đổi sang đầu tư công. Vì thu phí dịch vụ đối với các dự án đầu tư công là chủ trương đúng đã được qui định trong Luật quản lý tài sản công, Nghị quyết của Quốc hội để tạo nguồn duy tu sửa chữa, nguồn trả nợ và tiếp tục triển khai các dự án khác.

Chính phủ cần phải chi tiết cụ thể để thực hiện. Thực chất hiện nay các dự án đầu tư công của ngân sách trung ương chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay nên Chính phủ cần có phương án thu phí không chỉ đối với các dự án thành phần bằng hình thức đầu tư công của dự án cao tốc Bắc - Nam mà còn cả các dự án đầu tư công khác thực hiện bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên phương án thu phí phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, khả năng chi trả của người dân.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu vấn đề, với 5 dự án thành phần còn lại của Dự án cao tốc Bắc - Nam, nếu không triển khai được theo hình thức PPP thì có chuyển đổi sang hình thức dùng vốn đầu tư công hay không?

Về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật chưa thực sự ổn định và như vậy sẽ không có nhà đầu tư tư nhân nào dám đầu tư cả. Đại biểu Hạ đề nghị, Chính phủ cần rà soát và có giải pháp để tháo gỡ cho các dự án PPP để làm sao thu hút nhiều nhất nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế cho đầu tư phát triển.

Tuyết Chinh