Thay đổi nhận thức để có cách làm mới - cơ hội để báo chí tìm hướng đi trong tương lai

Xã hội - Ngày đăng : 14:07, 11/06/2020

(TN&MT) - Sáng 11/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Gala Báo chí lần thứ 2, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức diễn đàn Tổng Biên tập với chủ đề “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn

Đây là cuộc tọa đàm mở của lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, các chuyên gia truyền thông… về những khó khăn của kinh tế báo chí hiện nay, những nỗ lực gỡ khó và kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu.

Báo chí suy giảm nguồn thu

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy - Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận cho biết: Việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch Covid-19 như "siêu bão" khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí. Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể, còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, phát hành đã giảm trong nhiều năm qua, độc giả ngày càng có xu hướng tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội thì việc tìm kiếm nguồn thu bằng cách nào để vẫn làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội vừa giúp báo chí ổn định và phát triển, thực sự là bài toán cần có lời giải kịp thời.

Ông Lê Trần Nguyên Huy - Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu khai mạc diễn đàn

Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông: Với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu sẽ đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống.

“Thực tế, nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân", vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành, hoặc dựa vào nguồn lợi tức từ gửi tiết kiệm trước đó. Dù thế nào thì việc sụt giảm nguồn thu đã là một trong những nguyên nhân chính khiến báo chí đang không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; cùng với các trang tin điện tử dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều vi phạm như thời gian qua. Vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền" sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo” - ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.

Cần kết hợp nguồn nhân lực độc đáo với làn sóng công nghệ mới 

Ông Lưu Đình Phúc cho biết: Thực tế cho thấy, nếu báo chí bị quá phụ thuộc vào một nguồn thu nào đó thì sẽ gặp nhiều rủi ro. Cần có chính sách mới hỗ trợ, đầu tư để bảo đảm công cụ truyền thông thiết yếu của Nhà nước hoạt động có hiệu quả. Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức, tìm tòi, học hỏi cách làm mới của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Cùng với củng cố, đổi mới về nội dung thì việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến cho báo chí là cơ sở để có thể cạnh trạnh với các phương tiện truyền thông mới. Các nền tảng công nghệ đang cấu hình lại các thuật toán của họ để tôn trọng hơn người. dùng, khi mà họ đang phải đối mặt với những cáo buộc, đe dọa pháp lý.

Toàn cảnh diễn đàn

Tuy nhiên, tốc độ thay đổi công nghệ cho thấy không có dấu hiệu chậm lại. Trí tuệ nhân tạo cung cấp khả năng có nhiều dịch vụ tin tức dành cho cá nhân hơn, những cách mới để khám phá những câu chuyện, cũng như những cách đóng gói và phân phối nội dung hiệu quả hơn. Blockchain cuối cùng sẽ mở ra các hình thức thanh toán và xác minh mới, trong khi trợ lý giọng nói có thể trở thành một cổng thông tin mới để truy cập phương tiện truyền thông thuộc mọi loại hình.

“Trong bối cảnh đó, báo chí sẽ cần phải rõ ràng hơn bao giờ hết khi đóng vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan, tổ chức - và về đối tượng bạn đọc mà báo chí đạng phục vụ. Báo chí cần tìm cách kết hợp nguồn nhân lực độc đáo của mình với làn sóng công nghệ mới này để tối đa hóa tiềm năng sẵn có, tạo ra sản phẩm báo chí hấp dẫn hơn để có thể phát triển bền vững trong tương lai” - ông Lưu Đình Phúc khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo: Khi bàn về kinh tế báo chí, chúng ta hay nói tới những hoạt động kinh doanh trực tiếp của cơ quan báo chí trên cả “mặt báo” và bên ngoài “mặt báo”, tuy nhiên, để báo chí phát triển bền vững, ổn định và chuyên nghiệp, trong bất cứ hoàn cảnh nào, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, ví dụ triển khai sớm việc đặt hàng các cơ quan báo chí, đây cũng là một trong những nguồn thu ổn định để báo chí phát triển, thực sự là phương tiện truyền thông thiết yếu phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại Diễn đàn, các Tổng biên tập cơ quan báo chí đều nhận định nguồn thu đang bị ảnh hưởng lớn bởi mạng xã hội và xu hướng ngày càng phát triển. Đáng chú ý, đợt dịch Covid-19 vừa qua đã khiến thực trạng này càng bộc lộ rõ ràng hơn. Không chỉ thua kém về công nghệ, báo chí chính thống còn bị bó buộc hơn rất nhiều trong việc sản xuất nội dung, không thể giật tittle, câu views… như truyền thông xã hội, đây cũng là nguyên nhân chính khiến lượng độc giả ngày càng giảm đối với cả báo điện tử và báo in.

Mai Đan