Quay cuồng trong nắng nóng: Tập trung dự báo, chủ động ứng phó

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:29, 11/06/2020

(TN&MT) - Năm 2020, tiếp tục là một trong những năm nóng kỷ lục, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Công tác chuẩn bị và triển khai hệ thống dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán ra sao để giảm thiểu thiệt hại?

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (Tổng cục KTTV) xung quanh vấn đề này.

PV: Vừa qua, dự báo sớm đã góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Vậy, công tác dự báo sớm nắng nóng, hạn hán đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Mai Văn Khiêm:

Ngay từ đầu mùa lũ năm 2019, Trung tâm Dự báo KTTV đã được Tổng cục KTTV chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công.

Khi nhận thấy mùa mưa trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn, tổng lượng mưa ở mức rất thấp, từ tháng 7, 8/2019 Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phối hợp với Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức hội thảo, trao đổi, phân tích, đánh giá khả năng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2019 - 2020 và ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn.

PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn đã được gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai và các cơ quan theo quy định; Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam để truyền tải các thông về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn cũng như dự báo tình hình tiếp theo đến người dân và các cấp chính quyền.

Với tình hình nắng nóng cũng vậy, từ tháng 2/2020, khi còn chưa kết thúc mùa đông, Trung tâm Dự báo KTTV đã đưa ra nhận định mùa (6 tháng) với thông tin là: các tháng trong năm 2020 nền nhiệt độ trung bình trên toàn quốc tiếp tục có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng đã xuất hiện sớm và trên diện rộng ở các khu vực trên toàn quốc. Hàng tháng, Trung tâm cũng thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo tháng, mùa để cập nhật các thông tin dự báo về tình hình nắng nóng.

Sau đó, bước vào mùa nắng nóng, hệ thống dự báo quốc gia của Trung tâm tiếp tục theo dõi và dự báo từng đợt nắng nóng chi tiết và cụ thể hơn cho các khu vực trên phạm vi toàn quốc theo các hạn dự báo 10 ngày và hàng ngày để người dân biết và phòng tránh cũng như cũng như các cấp chính quyền có phương án chỉ đạo sản xuất.

PV: Ngành KTTV đã có những chuyển đổi, “chắt chiu” phân tích từng số liệu quan trắc ra sao để đưa ra được những bản tin dự báo nắng nóng, hạn hán liên tục, tin cậy và kịp thời?

PGS.TS Mai Văn Khiêm:

Hạn hán, nắng nóng là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, vì vậy, các loại hình thiên tai này luôn được Trung tâm theo dõi chặt chẽ.

Hiện tại, Trung tâm có các bản tin Dự báo hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài và hạn năm, hạn ngắn dự báo từ 1 - 10 ngày, hạn vừa dự báo từ 10 - 30 ngày, hạn dài là dự báo 3 - 6 tháng tới, còn hạn năm là dự báo cho cả năm tới. Với những hạn dự như vậy, các hiện tượng thiên tai nguy hiểm; trong đó có hạn hán, nắng nóng sẽ được theo dõi từ trước.

Đợt nắng nóng diễn ra ở nước ta có thể trở thành kỷ lục.

Đối với hạn năm, Trung tâm sẽ đánh giá nền nhiệt của năm dự báo xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm như thế nào, rồi đến dự báo hạn mùa; ngoài xác định dự báo nền nhiệt trong các tháng dự báo cao hơn so với trung bình khoảng bao nhiêu độ, từ đó, sẽ xác định được tháng nào có nền nhiệt cao hơn trung bình bao nhiêu độ. Trên cơ sở khí hậu, có thể sẽ xác định được tháng nào có khả năng cao xảy ra nắng nóng và mức độ gay gắt như thế nào để có thể đưa ra cảnh báo sớm.

Đến khi thời hạn dự báo hạn vừa là dự báo hạn tháng sẽ dự báo được khoảng thời gian xảy ra các đợt nắng nóng; đến dự báo hạn ngắn sẽ dự báo được cường độ hay mức độ gay gắt của các đợt nắng nóng và sẽ không bỏ sót các đợt nắng nóng hay thiên tai nguy hiểm nào.

PV: Với tình hình nắng nóng được dự báo tiếp tục khốc liệt trong năm nay, ông có khuyến cáo gì với các địa phương để giảm thiểu thiệt hại?

PGS.TS Mai Văn Khiêm:

Nắng nóng không chỉ khiến cho nhiệt độ tăng cao mà thường đi kèm với độ ẩm không khí giảm thấp khiến cho cây cối, đồ vật trở nên khô kiệt, dễ bị bắt lửa nên khả năng xảy ra hỏa hoạn rất cao. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập điện gây nguy hiểm, nhất là ở những khu dân cư đông đúc hay chung cư cũ nên người dân cần tắt hết các thiết bị điện không cần thiết vừa để tiết kiệm, vừa phòng chập điện.

Năm 2015, ở miền Trung đã xảy ra đợt nắng nóng dài kỷ lục với 32 ngày ở khu vực Nam Trung bộ, 36 ngày ở các tỉnh Trung Trung Bộ, 39 ngày ở khu vực Bắc Trung Bộ

Đặc biệt, từ nay đến tháng 8, vẫn là thời kỳ mùa khô ở khu vực trung và nam Trung Bộ (ngoại trừ Bình Thuận) nên tình trạng nắng nhiều, ít mưa và độ bốc hơi mạnh sẽ khiến cho nguồn nước khô kiệt, tình trạng hạn hán, thiếu nước còn diễn ra căng thẳng. Vì vậy, việc sử dụng nguồn nước hợp lý và tiết kiệm là rất cần thiết trước khi mùa mưa đến với khu vực này.

 PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tuyết Chinh (thực hiện)