Nắng nóng và ô nhiễm

Xã hội - Ngày đăng : 10:28, 11/06/2020

Nắng nóng cùng ô nhiễm không khí đang ngày một trở lên khắc nghiệt và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.

Nhiều vùng của Việt Nam đang hứng chịu đợt nắng nóng nhất trong gần 30 năm qua. Những tác động tiêu cực của nắng nóng đang khiến con người trở nên bức bối. Đặc biệt, vấn đề sức khỏe con người là yếu tố nhạy cảm nhất trong các tác động của nắng nóng và ô nhiễm môi trường, nhất là trong đô thị.

Sự phát triển quá nhanh của các đô thị đang khiến nhiều vùng đất trở nên sầm uất hơn. Nhưng theo đó, những khoảng không gian cần thiết cho cư dân cũng đang dần biến mất. Tại các vùng đất này, người dân phải đối mặt với tình trạng chật chội, nóng bức và bụi bặm…

vấn đề sức khỏe con người là yếu tố nhạy cảm nhất trong các tác động của nắng nóng và ô nhiễm môi trường, nhất là trong đô thị. Ảnh: Hoàng Minh

Các lĩnh vực hoạt động ưu tiên về giảm thiểu rủi ro về sức khỏe gây bởi ô nhiễm và những ảnh hưởng có hại từ môi trường đã xếp ô nhiễm không khí đô thị lên hàng đầu trong số 8 loại hình ô nhiễm (ô nhiễm không khí đô thị, ô nhiễm không khí trong nhà, ô nhiễm nước, ô nhiễm do sử dụng thuốc trừ sâu, chất thải rắn, các vấn đề định cư, tiếng ồn, phóng xạ ion hóa và phi ion hóa)

Những ngày qua, thông tin về nắng nóng kỷ lục và ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố do các tác động của thời tiết, đốt đồng, gia tăng các hoạt động công nghiệp, vận tải sau dịch bệnh… đang thực sự khiến cư dân nhiều đô thị lo lắng.

Các phương tiện giao thông gia tăng, ồ ạt xây dựng, hạ tầng yếu kém… là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến môi trường không khí đô thị.

Ở Hà Nội, những kết quả quan trắc cho thấy, nồng độ bụi khí những ngày sau cách ly dịch bệnh tăng trở lại. Thời gian nắng nóng dài hơn hẳn, kéo theo là những ngày ô nhiễm nặng nề.

Ô nhiễm bụi, riêng ở Hà Nội, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người còn gây ra các thiệt hại to lớn khác như giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, hư hỏng thiết bị, suy giảm tuổi thọ công trình và làm mất mỹ quan cơ sở hạ tầng. Các thiệt hại về kinh tế có thể lượng hóa bằng tiền với mức thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ mỗi năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, không khí tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM bị ô nhiễm nặng nề sau nhiều năm phát triển kinh tế và đô thị hóa với tốc độ cao. Nghiêm trọng nhất là bụi, ngoài ra các chất ô nhiễm khác dưới dạng khí như NO2, CO, O3 do hoạt động giao thông phát ra và SO2 do đốt than, dầu đều rất cao, ngày càng gia tăng, nhiều khu vực vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ quả của tình trạng ô nhiễm để lại là hàng loạt các bệnh về đường hô hấp gia tăng đối với người dân.

Hình ảnh bịt đầu, trùm mặt đậm chất “Nin-ja” của người dân. Ảnh: Hoàng Minh

Các bản tin mà giới truyền thông phát đi vào những ngày nắng nóng đều cho thấy, số ca mắc các bệnh này ở trẻ nhỏ và người già tăng vọt.

Khi mà tình trạng ô nhiễm đã rõ như vậy thì những bài học đắt giá của nhiều nước đã và đang phát triển dường như ít tác động tới hoàn cảnh của Việt Nam và dường như nền kinh tế của Việt Nam vẫn vận động mà ít bị ảnh hưởng của Luật. Cho tới nay, tội danh trong việc hủy hoại môi trường sống và sức khỏe con người được đưa ra xét xử còn rất ít!(?)

Bây giờ, một trong những phương pháp vẫn được người dân lựa chọn để tự vệ trước nắng nóng và vấn nạn khói bụi nặng nề tại các đô thị là sử dụng các loại khẩu trang khi ra đường. Nhưng, tất cả vẫn chỉ là những giải pháp tạm thời. Và trong khi chờ đợi những giải pháp công nghệ, những luật lệ môi trường phát huy hiệu năng thì hình ảnh bịt đầu, trùm mặt đậm chất “Nin-ja” vẫn xuất hiện như một thứ “thời trang” bất đắc dĩ của người dân.

Ngọc Lý