Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 11/6: Thế giới gần 7,5 triệu người mắc, hơn 418.000 ca tử vong
Thế giới - Ngày đăng : 08:30, 11/06/2020
Đeo khẩu trang có thể ngăn chặn làn sóng COVID-19 thứ 2
Theo một nghiên cứu của Anh ngày 10/6, việc sử dụng khẩu trang trên toàn dân số có thể góp phần kiểm soát đại dịch COVID-19 và ngăn chặn các đợt dịch bệnh tiếp theo khi kết hợp với lệnh phong tỏa.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Cambridge và Greenwich tại Anh cho thấy chỉ thực thi lệnh phong tỏa sẽ không ngăn chặn được sự hồi sinh của virus corona (virus SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19, nhưng nếu kết hợp với khẩu trang tự chế cũng có thể làm giảm đáng kể tốc độ lây lan nếu nhiều người đeo chúng ở nơi công cộng.
“Các phân tích của chúng tôi thúc đẩy việc sử dụng khẩu trang nhiều hơn trong cộng đồng”, Richard Stutt, người đứng đầu nghiên cứu tại Đại học Cambridge cho biết.
Ông Stutt cho rằng việc kết hợp sử dụng khẩu trang rộng rãi với giãn cách xã hội và biện pháp phong tỏa có thể giúp kiểm soát đại dịch và mở cửa trở lại hoạt động kinh tế trước khi phát triển một loại vắc-xin hiệu quả chống lại đại dịch COVID-19.
WHO mới đây đã khuyến cáo các quốc gia yêu cầu người dân đeo khẩu trang vải ở các khu vực công cộng nhằm giảm sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19. Ảnh: Bloomberg |
Các kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học “Kỷ yếu của Hội Hoàng gia A”.
Khi bắt đầu đại dịch, bằng chứng khoa học về hiệu quả của khẩu trang trong việc làm chậm quá trình truyền bệnh bị hạn chế và không có dữ liệu nào về COVID-19 vì đây là một bệnh chưa biết đến trước đây.
Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu mới trong những tuần gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang bằng vải ở nơi công cộng để cố gắng giảm lây lan bệnh.
Brooks Pollock, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Bristol cho biết khả năng tác động của khẩu trang có thể nhỏ hơn nhiều so với dự đoán. Trish Greenhalgh, một giáo sư của Đại học Oxford cho biết những phát hiện này rất đáng khích lệ và cho rằng khẩu trang có thể là một biện pháp bảo vệ dân số hiệu quả.
Đức sẽ nới lỏng hạn chế đối với lao động thời vụ
Ngày 10/6, một nguồn tin chính phủ cho biết trong tuần tới Đức sẽ nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với các nhân viên thời vụ nhằm làm chậm sự lây lan của COVID-19.
Nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chấp thuận các đề xuất của Bộ trưởng Nông nghiệp Julia Kloeckner cho các công nhân thời vụ từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và các nước Schengen có thể nhập cảnh vào Đức kể từ ngày 16/6 mà không bị hạn chế.
Trước đó, Đức đã quy định tối đa 80.000 công nhân thời vụ có thể vào nước này do đại dịch, mặc dù chỉ chưa đầy một nửa trong số họ được thuê.
Khi số ca nhiễm COVID-19 mới giảm và Đức tiếp tục nới lỏng lệnh phong tỏa, nông dân rất muốn đảm bảo rằng họ đã sẵn sàng cho vụ thu hoạch năm nay.
Hồi năm ngoái, gần 300.000 lao động thời vụ đã được tuyển dụng trong ngành nông nghiệp Đức, chủ yếu từ Romania và Ba Lan.
Tuy nhiên, chính phủ nhất trí rằng người sử dụng lao động sẽ được yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh. Các nhóm cố định sẽ được thành lập ngay từ đầu để giảm nguy cơ lây lan virus và nếu một công nhân bị bệnh, toàn bộ nhóm phải được cách ly.
Các quy định mới sẽ được áp dụng cho đến ngày 31/12. Reuters nhận được thông tin có một bản dự thảo về các kế hoạch vào ngày 9/6.
Cập nhật lúc 7h ngày 11-6-2020:
*Thế giới: 7.444.043 người mắc; 418.115 người tử vong
*Việt Nam: 332 người mắc, 0 tử vong.
Đến 7h ngày 11/6 không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 320 bệnh nhân đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
304 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 10/6) được chữa khỏi (giai đoạn 2)