Phú Yên: Khu vực dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba bị nhiễm mặn là do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:07, 10/06/2020

(TN&MT) - Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân thôn Đông Phước, Đông Bình xã Hòa An, huyện Phú Hòa không có nước sạch sinh hoạt vì nguồn nước nơi đây bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Người dân cho rằng việc nạo hút cát tại khu vực thi công dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba gây ra hiện tượng trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân nhiễm mặn là do biến đổi khí hậu.

Theo đơn phản ánh của nhiều hộ dân ở thôn Đông Phước và thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, từ trước đến nay nguồn nước ở đây rất mát và ngọt. Thế nhưng, bắt đầu triển khai thi công dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ thì nguồn nước nơi đây bị nhiễm phèn, bốc mùi hôi, mặn chát có màu vàng đục không thể sử dụng sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Hàng trăm hộ dân thôn Đông Bình xã Hòa An nguồn nước bị nhiễm mặn 

Nguồn nước bị nhiễm mặn không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, mà còn không thể tưới tiêu hoa màu cây trồng, nên người dân đành bỏ đất hoang hóa, làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Nhiều tháng nay người dân phải mua nước bình, nước lọc hoặc đào giếng ở nhiều vị trí khác nhau để có nước sinh hoạt. Người dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nguồn nước bị nhiễm mặn là do nạn hút khai thác cát dưới sông Đà Rằng để thi công dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba.

Người dân xóm Soi, thôn Đông Phước xã Hòa An dùng nước giếng khoan bị nhiễm mặn 

Trước phản ánh, kiến nghị của người dân và báo chí, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên phối hợp với đơn vị tư vấn lập báo cáo giám sát môi trường dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Phú Yên tiến hành lấy mẫu nước tại một số hộ dân và nước sông Đà Rằng để phân tích chỉ tiêu clorua, xác định độ nhiễm mặn của nước giếng khoan, giếng khơi và nước mặt sông Đà Rằng.

Nguồn nước bị nhiễm mặn không thể tưới tiêu hoa màu cây trồng 

Qua kết quả cho thấy, khu vực nguồn nước khu dân cư xã Hòa An bên trong công trình dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba bị nhiễm mặn là có thật. Tuy nhiên, đây là thời điểm kiệt của năm nên việc xâm nhập mặn là không thể tránh khỏi. Trên cơ sở kết quả thí nghiệm mẫu nước và đánh giá nguyên nhân nhiễm mặn nước giếng khoan, giếng khơi, mẫu nước mặt tại khu vực dự án là do biến đổi khí hậu.

Xu hướng trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu (nước biển dâng, mưa giảm) dẫn đến việc xâm nhập mặn của hàng loạt các cửa sông ven biển, đặc biệt như vùng Nam Bộ tình hình xâm nhập mặn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Do đó, vùng cửa sông Ba cũng không ngoại lệ trong bối cảnh chung đó.

Khu thi công dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ

Trước tình hình cực đoan của thời tiết, vào mùa khô hạn kéo dài liên tục kết hợp với không có mưa vào các đợt tiểu mãn của các năm làm cho khu vực hạ lưu sông Ba khô hạn, khi có các đợt cao triều toàn bộ khu vực hạ lưu sông Ba xâm nhập mặn đi sâu vào đất liền, một số năm tình hình xâm nhập mặn lên đến khu vực cầu Dinh Ông, thi trấn Phú Hòa.

San mặt bằng thi công dự án 

Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng mưa trong tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng, thấp hơn mức trung bình nhiều năm nên tình hình xâm nhập mặn tại khu vực hạ lưu sông Ba càng trở nên trầm trọng. Việc xâm nhập mặn vùng cửa sông là hiện tượng tự nhiên. Đặc biệt với cửa sông Ba có nhiều điều kiện bất lợi dẫn đến xâm nhập mặn sâu như: cửa sông Ba rộng, địa chất có tầng cát dày, cát hạt trung có độ rỗng lớn.

Khai thác cát thi công dự án 

Trong nhiều năm qua, do tác động của quá trình biến đổi khí hậu nên tình hình nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít, nước thủy điện đầu nguồn sông Ba thiếu nước dẫn đến cạn kiệt. Khi nguồn nước sông Ba thấp cũng là thời điểm nước triều xâm nhập vào sâu nhất nên nguồn nước sông Ba dịch chuyển sang nước mặn. Độ nhiễm mặn nước sông Ba vùng dự án cao khi triều cao và độ nhiễm mặn nước sông Ba vùng dự án thấp khi triều thấp.

Nguồn nước sông Ba bị nhiễm mặn sẽ làm cho nguồn nước dưới đất các giếng khoan, giếng khơi của các hộ dân bị nhiễm mặn theo. Dự án Kè chống sạt lở bờ tả sông Ba kết hợp với phát triển hạ tầng đô thị đoạn từ cầu Đà Rằng mới đến cầu Đà Rằng cũ thực hiện khơi thông dòng chảy để bảo đảm tiêu thoát nước, không thực hiện biện pháp ngăn dòng sông, đưa dòng sông cách xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến việc nhiễm mặn.

Hiện nay lượng mưa tiểu mãn trong năm 2020 chưa có, để đảm bảo nguồn nước sử dụng, khuyến cáo cần phải sử dụng nguồn nước ngầm thay cho nguồn nước mặt. Tiến hành khoan giếng để sử dụng nước ngầm, khoan càng sâu càng đảm bảo. Các giếng ngầm phải được bảo quản và sử dụng cho các năm tiếp theo trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay.

Mỹ Bình