Phát triển rừng nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Môi trường - Ngày đăng : 09:21, 10/06/2020

(TN&MT) - Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Mường Ảng (Điện Biên) được khẳng định là chính sách “vàng” để Mường Ảng bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng với tạo lập được nguồn kinh phí ổn định giúp các chủ rừng bảo vệ rừng, chính sách này còn giúp hàng nghìn hộ dân, với chủ yếu là đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từ đó gắn bó hơn với rừng.

Được nâng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ 6.000đ/ha lên 400.000đ/ha từ năm 2018 là động lực để người dân Mường Ảng tích cực hơn trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Có một tập quán đã tồn tại lâu nay trong cộng đồng các DTTS ở huyện Mường Ảng nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, đó là chặt phá rừng làm rẫy mỗi khi mùa khô đến. Để chấm dứt tình trạng này, hàng chục năm qua, chính quyền và ngành chức năng, các địa phương đã đổ nhiều công sức tuyên truyền, ngăn chặn, song nhiều nơi rừng vẫn “biến” thành nương rẫy.

Những câu chuyện buồn về việc con người đối xử tệ bạc với rừng của ông Mùa Súa Tòng, bản Co Hắm, xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng đột ngột ngừng lại, vì vừa qua khỏi khúc quanh của bản, rừng hiện ra với một màu xanh tươi mát giữa mùa khô khốc liệt. Ông Tòng cười vui, người dân Mường Ảng giờ không còn đi phá rừng làm nương rồi. Bây giờ vào rừng là để bảo vệ rừng.

Hiện nay, huyện Mường Ảng có trên 13.600ha đất có rừng với trên 12.900ha rừng tự nhiên, trong đó trên 9.500 ha được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng, tương ứng với số tiền được chi trả trung bình mỗi năm gần 3 tỷ 8.00 triệu đồng. Bà con đã tận tay được nhận khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức cao gấp nhiều lần so với trước đây, cộng với sự nỗ lực của địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, giao khoán rừng nên những cánh rừng ở Mường Ảng ngày càng thêm xanh.

Người dân huyện Mường Ảng cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, cho biết: Trước đây công tác bảo vệ rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi mức chi trả dịch vụ môi trường rừng được điều tiết lên trên 400 nghìn đồng/ha/năm, người dân ngày càng tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Nhiều tổ cộng đồng nhận khoán quản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, đời sống của người dân trong thôn được cải thiện, đặc biệt, không còn tình trạng phá rừng làm nương, vì người dân hiểu được nguồn lợi từ rừng mang lại…

Bắt đầu từ năm 2018 đến nay, Điện Biên có 4 huyện được nâng mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, trong đó có huyện Mường Ảng. Nên người dân đã mặn mà hơn với việc bảo vệ, phát triển rừng. Yếu tố này đã tác động phần nào đến hiệu quả trồng rừng ở huyện Mường Ảng trong những năm gần đây. Hiện diện tích rừng trồng mới của huyện Mường Ảng đã đạt trên 1.300 ha, đây cũng là địa phương điển hình của Điện Biên về công tác trồng rừng và được tỉnh lấy làm điểm để nhân rộng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại lợi ích kép cho người dân, nhất là hiện nay những diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã cũng được tăng mức chi trả như ở huyện Mường Ảng. Đây là yếu tố tiếp thêm động lực giữ rừng đối với người dân. Đơn cử như tại xã Ẳng Cang, toàn xã có trên 1.300ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Với mức chi trả hiện nay, trung bình mỗi năm, xã được nhận hơn 400 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đó được chi trả trực tiếp cho các chủ rừng, trong đó phần lớn các chủ rừng là cộng đồng các bản. Mỗi khi được nhận tiền DVMTR, các bản đều trích một số tiền nhất định để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, trách nhiệm giữ rừng của người dân nói chung, các tổ, đội bảo vệ rừng nói riêng được nâng lên, nhất là trách nhiệm của bà con trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

Không chỉ thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, người dân nơi đây cũng đang tích cực phát triển rừng bằng việc trồng và khoanh nuôi tái sinh, nhằm tăng diện tích, nâng cao độ che phủ rừng.

Không chỉ thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, người dân nơi đây cũng đang tích cực phát triển rừng bằng việc trồng và khoanh nuôi tái sinh, nhằm tăng diện tích, nâng cao độ che phủ rừng ở địa phương. Đặc biệt, từ năm 2018, có 3 bản tại xã Ẳng Cang, người dân chuyển từ đất nương bạc màu đề nghị xã khoanh nuôi tái sinh 135,82 ha rừng, nâng tổng số diện tích rừng của xã lên 1.440ha.

Vì thế, phần lớn các hộ dân ở xã Ẳng Cang nói riêng, huyện Mường Ảng nói chung hiện đã chuyển nhiều diện tích trồng cây màu sang trồng hoặc khoanh nuôi tái sinh rừng. Bởi họ xác định, việc phát triển rừng hiện nay không đơn thuần được hưởng lợi gián tiếp về môi trường như trước đây, mà còn được hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp bằng tiền từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số nguồn hỗ trợ khác về bảo vệ, phát triển rừng. Do đó, việc trồng mới hay khoanh nuôi tái sinh rừng với người dân Mường Ảng hiện gần như không còn sự ngần ngại.

Ngoài lợi ích trước mắt là hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và các nguồn hỗ trợ khác, việc trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng còn giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, diện tích rừng trồng tại Mường Ảng hiện nay hầu hết là rừng sản xuất nên bà con được khai thác, tạo thương phẩm cho ngành gỗ, giấy trong nước.

 

Hoàng Châu