Cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020: Cần đưa giải pháp để thực hiện Nghị quyết Quốc hội

Trong nước - Ngày đăng : 14:48, 09/06/2020

(TN&MT) - Tại phiên họp thảo luận tổ 09 sáng 9/6, đối với nội dung về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, các đại biểu Quốc hội đề nghị, với chủ trương Quốc hội đã quyết định thì phải tìm các giải pháp, biện pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi 03 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Đại biểu Quốc hội tổ 09 họp thảo luận tổ sáng 9/6

Đồng thời, tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 05 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng tàu) cho rằng: Về trình tự, thủ tục, theo quy định tại Điều 21 Luật Đầu tư công, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ngày 14/5/2020, Chính phủ mới có Tờ trình và hồ sơ kèm theo gửi tới cơ quan thẩm tra, do đó, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết băn khoăn việc gửi chậm có đảm bảo các yếu tố, nội dung để đưa ra quyết định hay không?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa – Vũng tàu) phát biểu

Vấn đề thứ hai, với nội dung Chính phủ kiến nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và đề xuất chuyển đổi 03 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng vốn nhà nước thì đại biểu Nguyễn Văn Thuyết cho biết, các thành viên trong Uỷ ban cho rằng với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết do không có nhà đầu tư qua vòng sơ duyệt thì đồng ý chuyển đổi phương thức đầu tư. Còn hai dự án còn lại nằm trên cửa ngõ giao thông, vẫn có khả thi thực hiện PPP thì nên tiếp tục.

Ông Tuyết nhấn mạnh rằng, những dự án này đã được thông qua theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, cho nên đề nghị với cần tiếp tục đưa ra những giải pháp, biện pháp thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đại biểu Nguyễn Trung Thành (đoàn Đăk Lăk), những lý do của Tờ trình là chưa thuyết phục, bởi theo đại biểu Nguyễn Trung Thành, những dự án thực hiện bằng đầu tư công tiến độ sẽ nhanh hơn, tuy nhiên sau COVID thì rất nhiều ngành cần nguồn lực để khắc phục khó khăn, do đó nếu các dự án PPP có thể gánh được thì nhà nước sẽ có nguồn lực đầu tư công vào đầu tư cho những lĩnh vực an sinh xã hội và các địa phương khó khăn khác.

Đại biểu Nguyễn Trung Thành (đoàn Đăk Lăk) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Trung Thành cho rằng chỉ nên đồng ý chuyển đổi cho dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết, còn hai dự án còn lại (Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây) vẫn nên tiếp tục theo như Nghị quyết đã ban hành để tránh những vấn đề đặt ra sau này những dự án còn lại không hiệu quả, khó khăn thì lại trình Quốc hội để chuyển sang đầu tư công thì sẽ gây khó khăn cho phát triển toàn diện.

Ông Thành cũng đặt ra vấn đề, thì Quốc hội đang thảo luận Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do đó có thể đưa ra thảo luận tại Quốc hội những vướng mắc do PPP có cơ chế hồi tố để thu hút và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thay vì xin chuyển đổi như hiện nay.

Khương Trung - Tuyết Chinh