Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững. Bài 2: Ưu việt đan xen nhiều khó khăn

Đất đai - Ngày đăng : 14:12, 09/06/2020

(TN&MT) - Hiện nay, cả nước đã có 59/63 tỉnh đã kiện toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) một cấp trực thuộc Sở TN&MT. Hệ thống Văn phòng này đã mang lại nhiều kết quả tích cực về công tác cải cách hành chính, xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu...

Chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐKĐĐ

Việc thành lập hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ ở các tỉnh, thành phố đã thể hiện nhiều điểm tích cực nổi trội so với hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ở hai cấp: Văn phòng ĐKĐĐ đã chủ động điều phối nguồn nhân lực trong hệ thống, bảo đảm nhân lực phù hợp với khối lượng công việc cần giải quyết của từng địa bàn, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ như trước.

Văn phòng ĐKĐĐ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐKĐĐ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), xây dựng hồ sơ địa chính (HSĐC), cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai, giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác ĐKĐĐ;

Hoạt động ĐKĐĐ đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất. Chất lượng thực hiện thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDĐ được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong từng tỉnh, thành phố do Văn phòng ĐKĐĐ thường xuyên tổ chức kiểm tra để phát hiện sai sót và hướng dẫn điều chỉnh kịp thời;

Việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý HSĐC, xây dựng CSDL đất đai đã được chú trọng thực hiện hơn trước đây. HSĐC đã được đơn giản hóa chỉ còn lập một bộ thay cho 3 bộ lưu 3 cấp như trước đây.

Việc thành lập Văn phòng ĐKĐĐ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp: Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục ĐKĐĐ được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn trước đây; việc liên thông giữa các cấp, các cơ quan được đẩy mạnh thực hiện; một số tỉnh đã bước đầu cho phép các tổ chức, cá nhân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục ĐKĐĐ, cấp GCN mà không bắt buộc một địa điểm như trước đây; là nền tảng cho việc liên thông dữ liệu giữa các ngành liên quan, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện nhiều thủ tục ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ đã giảm mạnh (từ 5 - 25 ngày so với trước đây); số lượng hồ sơ giao dịch về đất đai bị trễ hạn cơ bản đã được chấm dứt (90 - 95% số hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định).

Nguồn thu từ phí, lệ phí và các thu khác từ hoạt động dịch vụ của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ đã tăng nhiều so với trước đây, giảm bớt gánh nặng ngân sách cho hoạt động của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ; một số địa phương có nguồn thu lớn đã tự bảo đảm một phần cơ bản kinh phí cho hoạt động thường xuyên của Văn phòng ĐKĐĐ và đóng góp một phần đáng kể cho ngân sách Nhà nước (NSNN), có thể hướng tới thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ hoàn toàn kinh phí của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ.

Văn phòng Đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: MH

Còn hạn chế

Bên cạnh những tiến bộ đạt được, hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ vẫn còn một số hạn chế như: Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh chưa được giao đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện tất cả các công việc mang tính dịch vụ công liên quan đến ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ (công việc phục vụ cho quản lý Nhà nước hoặc cho nhu cầu của người sử dụng đất); gây khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, kéo dài thời gian, tăng thêm chi chí thực hiện và làm cho tính chuyên nghiệp của hệ thống cơ quan ĐKĐĐ chưa được phát huy triệt để, cụ thể:

Thứ nhất là quy định hiện hành chưa giao thẩm quyền ký GCN cho Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh đối với những trường hợp đăng ký biến động tại khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai mà phải ký GCN mới (chỉ là công việc mang tính chất phục vụ cho người sử dụng đất nhưng vẫn do Sở TN&MT hoặc UBND cấp huyện ký); quy định này làm tăng số lượng cơ quan tham gia thực hiện thủ tục nên thủ tục còn phức tạp, kéo dài thời gian, tăng thêm nhiều chi phí thực hiện, chi phối và tạo áp lực công việc rất lớn cho cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay (Sở TN&MT, UBND cấp huyện và Phòng TN&MT), nhất là ở các thành phố lớn (có khối lượng giao dịch quá lớn) và các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ ở xa tỉnh lỵ hoặc ở các tỉnh trung du, miền núi có điều kiện đi lại khó khăn.

Quy định hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực trước khi thực hiện đăng ký biến động đất đai tại cơ quan đăng ký là không cần thiết và làm phức tạp thêm thủ tục, tăng thêm chi phí không cần thiết cho người sử dụng đất (vì cơ quan công chứng, chứng thực chỉ xác nhận về hình thức mà không xác nhận về nội dung hợp đồng và cơ quan ĐKĐĐ phải thẩm tra hồ sơ địa chính để xác định điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi đăng ký biến động đất đai).

Một số địa phương còn một số nhiệm vụ chưa giao cho Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện theo quy định, như: Việc lưu trữ HSĐC tại Sở TN&MT do Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT quản lý hoặc tại cấp huyện do Văn phòng UBND huyện quản lý, làm cho hồ sơ đất đai bị quản lý phân tán, dễ thất lạc, không thống nhất, khó tra cứu, gây khó khăn, phức tạp cho việc khai thác sử dụng trong quá trình giải quyết thủ tục và là nguyên nhân cơ bản của tình trạng không cập nhật chỉnh lý đầy đủ, thường xuyên vào HSĐC hiện nay ở các địa phương.

Việc xây dựng CSDL đất đai không giao cho Văn phòng ĐKĐĐ chủ trì hay tham gia, phối hợp thực hiện, kiểm tra nghiệm thu sản phẩm dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến chất lượng và việc khai thác sử dụng sau khi hoàn thành. Có địa phương không trang bị máy móc đo đạc và không giao nhiệm vụ cho Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện đo đạc địa chính (chỉnh lý bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính) trong quá trình thực hiện thủ tục ĐKĐĐ, dẫn đến việc thực hiện thủ tục còn phức tạp, phiền hà, kéo dài thời gian (do người sử dụng đất phải liên hệ đơn vị đo đạc thực hiện); nhiều nơi còn đo thủ công làm cho chất lượng đo bị hạn chế và không chỉnh lý được bản đồ địa chính số;...

Thứ hai, nguồn nhân lực của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ phần lớn các địa phương còn rất thiếu về số lượng và nhiều cán bộ chuyên môn còn yếu năng lực, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Văn phòng ĐKĐĐ hiện nay.

Thứ ba, việc thực hiện cơ chế tài chính cho hoạt động của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ nhiều nơi chưa đúng quy định và còn bất cập, dẫn đến kinh phí cho hoạt động của hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ còn rất nhiều khó khăn, là một trong các nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc duy trì, tuyển dung thêm cán bộ chuyên môn theo cơ chế tự chủ của Văn phòng ĐKĐĐ và không thể triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được giao.

Nhất là, quy định thu phí, lệ phí trong thực hiện TTHC của Văn phòng ĐKĐĐ còn bất cập, chưa phù hợp với cơ chế tự chủ của Văn phòng ĐKĐĐ như quy định thu phí thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ theo Thông tư số 250/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính chỉ áp dụng cho các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nên còn rất nhiều loại thủ tục ĐKĐĐ, cấp GCN khác Văn phòng ĐKĐĐ cũng phải kiểm tra thẩm định hồ sơ (như thủ tục cấp GCN lần đầu, thủ tục thừa kế, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ và các thủ tục đăng ký biến động đất đai khác) nhưng không được thu phí thẩm định hồ sơ; nhiều đối tượng còn được miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện thủ tục theo quy định của HĐND tỉnh.

Thứ tư, theo quy định hiện hành, các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ không phải là một tổ chức pháp nhân độc lập mà là đơn vị trực thuộc Văn phòng ĐKĐĐ hoạt động theo cơ chế phụ thuộc (chịu sự quản lý chung về nhân lực, tài chính, tài sản của Văn phòng ĐKĐĐ); nhưng Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ có một số thẩm quyền, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm độc lập so với Văn phòng ĐKĐĐ (thực hiện các thủ tục ĐKĐĐ, xác nhận thay đổi vào GCN, cập nhật, chỉnh lý HSĐC và CSDL đất đai đối với các trường hợp của hộ gia đình, cá nhân).

Quy định này mặc dù các chi nhánh VPĐK có nhiều thuận lợi (được VPĐK thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, điều phối lực lượng hỗ trợ, cấp bổ sung kinh phí nếu thu không đủ chi), song cũng phát sinh một số bất cập như:

Các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ do thiếu tự chủ tài chính dẫn đến bị động, không kịp thời trong việc mua sắm, sửa chữa vật tư, thiết bị, ảnh hưởng đến thời gian thực hiện TTHC về đất đai.

Cuối cùng là sự phối hợp giữa chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ với Phòng TN&MT trong việc thực hiện TTHC và cung cấp TTĐĐ nhiều nơi còn bất cập, thiếu chặt chẽ, chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan đôi lúc còn khó khăn, kéo dài thời gian.

Bài 3: Xây dựng Hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, thống nhất

TRẦN HÙNG PHI - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát, quản lý sử dụng