Bình Định dồn sức chống hạn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:09, 09/06/2020

(TN&MT) - Nhận định khả năng xảy ra hạn hán trong vụ Hè Thu 2020, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần tích cực, sẵn sàng chống hạn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

Nắng hạn và thiếu nước sinh hoạt

Hiện, tỉnh Bình Định có 88/165 hồ chứa nước thủy lợi đã cạn nước, trong đó, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh mỗi địa phương có một hồ cạn nước; huyện Hoài Nhơn và Hoài Ân mỗi huyện có 11 hồ cạn; huyện Phù Mỹ 37 hồ, huyện Phù Cát 9 hồ; huyện Tuy Phước 2 hồ; huyện Tây Sơn 13 hồ và Công ty TNHH khai thác công trình thủy lợi Bình Định có 2 hồ cạn nước. Lượng nước các hồ chứa còn lại 236,5 triệu m3, đạt 40,1% so với dung tích thiết kế, bằng 68,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Lượng nước tại các hồ chứa giảm kéo theo nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị khô hạn. Hiện lượng nước tại các hồ chứa chỉ đảm bảo được 6.124 ha cây trồng, còn 1.629 ha sẽ không sản xuất được vì không có nước tưới.

Nhiều diện tích cây ngô bị chết do nắng nóng

Không chỉ thiếu nước sản xuất nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng không đủ cung cấp cho người dân. Ngay từ đầu mùa khô đã có hàng ngàn hộ dân tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Châu của huyện Phù Mỹ; Canh Thuận, Canh Hiệp, thị trấn Vân Canh của huyện Vân Canh; Bình Thuận của huyện Tây Sơn bị thiếu nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng xâm nhập mặn xảy ra tại nhiều địa phương các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn.

Chúng tôi về xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ vào những ngày nắng nóng nhiệt độ gần 40oC, nhìn thấy người dân đội mình giữa cái nắng gắt hừng hực đứng đợi mua từng can nước chở về nhà mà thương cảm người dân nơi đây.

Chị Trương Thị Vân, ở thôn An Xuyên 3 chia sẻ: Mỗi can nước khoảng 20 lít có giá tiền từ 1.000 - 1.500 đồng. Chở nước từ thôn này sang thôn kia mới có nước sinh hoạt, nấu ăn, tắm giặt. Mỗi ngày, tôi chở khoảng 2 - 3 lần mới đủ lượng nước gia đình cần sử dụng. Mọi người ai cũng canh giờ đi mua nước từ 06 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều nên tập trung đông người càng chờ đợi lâu.

Ông Lại Văn A, ở thôn An Xuyên 1 chia sẻ: Ba năm nay, gia đình chúng tôi đều sử dụng nước giếng đào, đào khoảng 20 m có nước ngọt nhưng thời tiết khô hạn là không có nước, nhưng đào sâu hơn thì nước sẽ bị nhiễm mặn hoặc có phèn nên không dùng được,còn nước sinh hoạt thì lâu rồi không được dùng.

Người dân đội nắng đi mua nước chở về nhà

Cảnh sống thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng không chỉ xảy ra cho người dân xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đều chung cảnh ngộ, nhất là khu vực người dân sinh sống tại các vùng ven biển, ven đầm. Bởi, nguồn nước ở đây thường bị nhiễm mặn và nhiễm phèn, đường ống dẫn từ Nhà máy nước sinh hoạt về khu dân cư không đảm bảo lượng nước phục vụ bà con sinh hoạt trong kỳ nắng nóng khô hạn kéo dài.

Cả hệ thống chính quyền chung tay chống hạn

Lo lắng trước nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các cấp nhanh chóng xây dựng và thực hiện các phương án phòng chống hạn một cách linh hoạt. Triển khai vụ Hè và đẩy nhanh gieo sạ vụ Thu lên sớm hơn so với thường lệ nhằm tận dụng độ ẩm trong đất, rút ngắn số ngày nắng nóng, hạn chế lượng nước tiêu hao. Vụ sản xuất này, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày có tiềm năng về năng suất và chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm hiệu quả sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu, các ngành chức năng, chính quyền các cấp cần tích cực, sẵn sàng chống hạn, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, trong đó, ưu tiên nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch để cung cấp cho người dân. Các địa phương phải xác định cụ thể vùng chủ động nước tưới, vùng thiếu nước tưới theo mức độ khác nhau, trên cơ sở đó, xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất phù hợp. Những vùng sản xuất lúa, nhưng thường xuyên bị thiếu nước tưới thì vận động nông dân chuyển đổi sang cây trồng cạn hoặc không sản xuất, vì kinh phí chống hạn còn cao hơn nhiều so với lượng thóc thu được.

Người dân chắt chiu từng chai nước để dùng

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong điều kiện nắng nóng, trong đó, chú trọng thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm; tăng cường hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong điều kiện nắng nóng.

Đối với vấn đề thiếu nước sinh hoạt của người dân tại một số địa phương, trong đó có xã Mỹ Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương thực hiện Công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh (giai đoạn 2). Trước mắt đầu tư, lắp đặt hệ thống đường ống để kéo nước phục vụ người dân. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xem xét, nâng cấp Nhà máy nước sạch Cát Nhơn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho các xã khu Đông huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát.

Đối với các địa phương được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư mở rộng nâng cấp nhà máy cấp nước sinh hoạt trong năm 2019, nhưng đến nay, chưa triển khai, hoàn thành, chịu trách nhiệm chở nước cung cấp cho người dân. Địa phương nào để thiếu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa nắng nóng 2020, phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Bên cạnh đó, để có nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hỗ trợ nguồn vượt thu cho tỉnh là 205 tỷ đồng, nhằm sớm triển khai các dự án chống hạn, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 1.425 ha vùng đất thường xuyên bị khô hạn và cấp nước sinh hoạt phục vụ cho 64.200 người có nguồn nước bị ô nhiễm, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Bài và ảnh: Mỹ Bình