Trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hà Nội
Trong nước - Ngày đăng : 14:04, 09/06/2020
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa và tình trạng gia tăng dân số cơ học nhanh đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, gây tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị và các vấn đề về an ninh trật tự xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Ảnh: Quốc Khánh |
Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.
Do vậy, trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Thành phố Hà Nội. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Đồng thời, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô Hà Nội phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.
Về những nội dung cơ bản của Nghị quyết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc Thành phố quản lý; Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về quản lý thu ngân sách nhà nước; Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định về quản lý chi ngân sách nhà nước; Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính; Điều 6 quy định về điều khoản thi hành. Trong đó, quy định thời gian thực hiện thí điểm là 05 năm và xác định rõ trách nhiệm của Thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết. Quy định việc giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp của Hà Nội.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự kiến nguồn lực tài chính, điều kiện đảm bảo cho việc thi thành Nghị quyết bao gồm: ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu; ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước; nguồn tài chính hợp pháp khác.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết |
Về điều kiện đảm bảo cho việc thi hành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ xác định ban hành văn bản tổ chức thi hành Nghị quyết phù hợp với quy định; tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết và các quy định liên quan kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện. Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để Thành phố tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Nghị quyết.
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về các nội dung của Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh KT-XH của đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Uỷ ban TCNS đề nghị việc xây dựng Nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của Thành phố Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước về một số vấn đề cụ thể.
Trong đó, phải xây dựng Nghị quyết phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Thành phố Hà Nội; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, thực hiện vai trò chủ đạo của NSTW theo quy định của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, chỉ thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Việc đẩy mạnh phân cấp nguồn thu phải phù hợp với năng lực, khả năng giải ngân các nguồn vốn, gắn với yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả cao hơn và thu hút được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Thành phố Hà Nội.
“Việc thí điểm ban hành chính sách mới phải có tính vượt trội và được sự đồng thuận của người dân Thủ đô; góp phần bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.