Điện Biên tăng cường liên kết cộng đồng bảo vệ môi trường không khí
Môi trường - Ngày đăng : 11:19, 09/06/2020
Sở TN&MT Điện Biên đã xây dựng, trình và được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Điện Biên năm 2019. Báo cáo xác định, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là không khí môi trường các khu đô thị và trung tâm các huyện....
Điện Biên đang chú trọng phát triển kinh tế, thúc đẩy theo hướng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp và dịch vụ, song song, quá trình đó, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường không khí nói riêng là khó tránh khỏi. Các nguồn ô nhiễm môi trường không khí chủ yếu gồm: Hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất nông nghiệp, chôn lấp và xử lí chất thải.
Điện Biên tăng cường sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường không khí |
Trong đó, hoạt động giao thông vận tải được xem là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn đối với môi trường không khí, đặc biệt là khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư. Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tăng trưởng các phương tiện cơ giới và khối lượng vận tải hàng hóa, hành khách là sự phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Các chất gây ô nhiễm không khí chủ yếu sinh ra do khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu động cơ bao gồm: CO, CO2, SO2, NOX, Pb… và bụi do đất cát cuốn bay theo trong quá trình di chuyển.
Hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí chủ yếu là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, luyện than cốc, sản xuất xi măng. Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ. Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng sẽ phát sinh khí thải với thành phần và nồng độ khác nhau. Các chất độc hại được phân thành các nhóm bụi, nhóm chất vô cơ và nhóm các chất hữu cơ với các chất ô nhiễm phổ biến gồm: NO2, SO2, VOC, TSP, các hóa chất và kim loại.
Tăng cường quản lý chất lượng không khí theo cơ chế “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”. |
Nguồn gây ô nhiễm do hoạt động nông nghiệp lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón không tuân thủ theo nguyên tắc gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, hoạt động chôn lấp và xử lí chất thải từ bãi rác lộ thiên là nơi tập hợp các loại chất thải rắn, chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt có thành phần hữu cơ cao. Dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm và vi sinh vật chất thải rắn hữu cơ bị phân hủy và sản sinh ra các khí CH4, CO2, và một số khí khác. Ước tính lượng khí CH4, CO2 phát sinh từ các bãi rác lộ thiên và bãi chôn lấp khoảng từ 3 - 19% tổng lượng phát sinh. Tại nhiều khu chôn lấp, đặc biệt các bãi rác lộ thiên đã và đang diễn ra các hoạt động đốt rác tùy tiện, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại những thời điểm nhất định.
Kết quả quan trắc môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2016 đến năm 2019 cho thấy, chất lượng môi trường không khí khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều nằm trong giới hạn quy chuẩn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT. Điều này chứng minh chất lượng môi trường không khí nói chung trên địa bàn tỉnh Điện Biên là tương đối tốt, đảm bảo môi trường sống cũng như sức khỏe cho người dân. Tuy vậy, tại một số trung tâm huyện và thành phố ở một thời điểm nhất định đang trong quá trình xây dựng đồng bộ các cơ sở hạ tầng, lượng xe tham gia giao thông nhiều và diễn ra nhiều hoạt động buôn bán... nồng độ một số chỉ tiêu vẫn đang ở mức cao có thể sẽ vượt quy chuẩn cho phép nếu không có biện pháp giảm thiểu phù hợp.
Bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên |
Ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc phụ trách Sở TNMT tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian tới, tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao tính chủ động sáng tạo của các tổ chức chính trị, xã hội và đoàn thể trong việc tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành các chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề môi trường; hoàn thiện và thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng theo hướng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và có chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, tỉnh Điện Biên sẽ sớm hình thành hệ thống công cụ kinh tế để quản lý chất lượng không khí theo cơ chế “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” qua đó áp dụng triệt để đối với thành phần kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao như sản xuất kim loại, nhiệt điện, hóa chất, sản xuất xi măng vật liệu xây dựng... Cùng với đó là tăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí quản lý môi trường không khí từ nguồn ngân sách, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức; tăng cường kiểm soát, giảm phát thải và đẩy mạnh hoạt động quan trắc và đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng bảo vệ môi trường không khí.