Đột phá kinh tế biển từ chuỗi đô thị biển kết nối đảo xa

Biển đảo - Ngày đăng : 11:08, 09/06/2020

(TN&MT) - Một trong những hướng đột phá cho Chiến lược phát triển kinh tế biển nước ta là việc củng cố, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các khu đô thị biển với tư cách là những “cực phát triển”, Trung tâm Tích tụ dân số biển đảo, Trung tâm Văn hóa biển, Trung tâm Thương mại biển đủ khả năng “đối trọng” với các sáng kiến đan xen cạnh tranh và hội nhập trên Biển Đông.

Từ góc nhìn này, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, dựa trên 3 mảng không gian: biển (sea space), đảo (island space) và ven biển (coastal space), đã đưa ra ý tưởng phát triển chuỗi đô thị biển, cùng các đảo với một tư duy khác cơ bản so với với quy hoạch phát triển các đô thị trên đất liền - quy hoạch không gian cho phát triển đô thị biển.

Tổ chức lại “không gian kinh tế biển”

Để bảo đảm sử dụng bền vững không gian biển, cần phải đánh giá tổng thể, đồng bộ và khách quan thực trạng sử dụng không gian biển, ven biển, đảo cho các mục đích khác nhau, trong đó, có hệ thống không gian “đô thị biển” hiện hữu. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án tổ chức lại không gian kinh tế biển hiện nay, bao gồm không gian kinh tế đảo và kinh tế ven biển.

Theo TS. Nguyễn Chu Hồi, ở nước ta, muốn nói đến liên kết phát triển kinh tế biển, trước hết phải củng cố và xây dựng các “cực phát triển” kinh tế biển, có sức hút mạnh và năng lực lan tỏa rộng lớn, một khu kinh tế động lực và thích ứng. Đó chính là các khu đô thị và mối liên kết giữa chúng theo cơ cấu “chuỗi” đô thị ven biển, chuỗi đô thị đảo và chuỗi đô thị trên biển.

Khu đô thị ven biển Nha Trang. Ảnh: Duy Hiếu

Từ góc nhìn hệ thống, một cực phát triển (khu đô thị biển) có tính độc lập, nhưng không cô lập, hay còn gọi là “tính độc lập tương đối”. Cho nên, liên kết để tạo động lực cho phát triển dài hạn dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái trở thành nguyên tắc phát triển trong kinh tế học hiện đại. Muốn có các cực phát triển ven biển và trên biển, phải có xây xựng các chuỗi liên kết. Đó cũng chính là việc giải bài toán tổ chức lại không gian kinh tế biển và đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, tổng thể và toàn diện, đi cùng với các giải pháp có tính đột phá. Trong đó, phát triển đúng hướng, hiệu quả các chuỗi đô thị ven biển và chuỗi đô thị đảo sẽ tạo nên các điểm cực phát triển tốt trong mỗi chuỗi. Ngược lại, mỗi điểm cực phát triển tốt sẽ góp phần tạo động lực lan tỏa, tác động mạnh đến liên kết biển - đất liền, mà hiện đang còn mờ nhạt. 

Trong thực tế, đô thị biển ở nước ta thực ra mới thấy phát triển tập trung ở dải ven biển và chỉ là các đô thị ven biển, như các thành phố Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu,... Hiện chưa có đô thị đảo và đô thị trên biển theo đúng nghĩa của nó. Trong khi ở một số quốc gia, ngoài phát triển các đô thị ven biển đã chú trọng những đô thị đảo nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước. Vậy nên, trong quá trình phát triển cũng không tránh khỏi việc phải đánh đổi (trade off) một số giá trị vốn có nào đó, nhưng các giá trị đặc hữu, cốt lõi và có vai trò nền tảng duy trì các lợi ích dài hạn thì luôn tồn tại hoặc cần phải giữ lại.

Vì vậy, muốn phát triển các điểm cực và thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển, cần ưu tiên xem xét kết nối các đô thị ven biển cũ và mới để hình thành chuỗi đô thị ven biển, đồng thời sớm hình thành chuỗi đô thị đảo, đặt chúng trong một chỉnh thể không gian: ven biển - biển - đảo. Trước tiên, xem thử tình trạng chỉnh trang, nâng cấp và mở rộng các đô thị ven biển cũ gần đây có đem lại hiệu quả đích thực và dài hạn không. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng các đô thị ven biển mới gắn với khu kinh tế ven biển và cảng nước sâu. Tiến hành nghiên cứu để tìm ra mô hình đô thị ven biển mới, đa dạng, hiệu quả, thích hợp, kế thừa và độc đáo. Ví dụ, các đô thị ven biển cũ như các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu,... đều là những đô thị biển hình thành một cách “tự nhiên”, dựa trên định hướng mối quan hệ phát triển giữa: cảng - biển - đô thị. Vậy, có thể các khu đô thị ven biển mới tiềm năng như thành phố Vạn Tường, Chu Lai gắn với cảng và cụm khu kinh tế Chu Lai - Dung Quất, thành phố Kỳ Anh gắn với cảng và khu kinh tế ven biển Vũng Áng...

Cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Trung Sáng

Thuận thiên, dựa vào biển phát triển kinh tế đảo

Ngoài đảo cũng vậy, đô thị đảo phải có mô hình riêng, thuận thiên và dựa vào thế mạnh của biển chứ không phải dựa vào đất trên đảo là chính. Kinh tế đảo, vì thế, cũng định hướng dựa vào bảo tồn (vốn và tài sản tự nhiên biển, đảo), du lịch xanh và bền vững. Khi đó các đô thị đảo sẽ được kiến thiết theo hướng đô thị đảo xanh, một điểm cực giao thương trên biển và kết nối với đất liền và các đô thị đảo khác, hình thành chuỗi đô thị đảo. Các chuẩn mực đô thị đảo phải được các nhà kiến trúc và quy hoạch đô thị nghiên cứu kỹ, thận trọng, khách quan (không bị sức ép cục bộ nào) để có được “mô hình tham chiếu” khi quy hoạch và kiến trúc một đô thị đảo cụ thể (ở ven biển hoặc trên đảo). Tránh bệnh hội chứng (copy style) trong phát triển đôi khi vẫn gặp hiện nay, ví như cách “bê một mảnh vỡ” của một khu đô thị cũ ven biển ra đặt ở một hòn đảo có thiên nhiên hoang dã, phá vỡ giá trị và tính bền vững của không gian đảo,...

Ngoài phát triển chuỗi đô thị ven biển và chuỗi đô thị đảo nói trên, đã đến lúc các địa phương ven biển phải chú ý đến phát triển đô thị trên biển (đô thị nổi trên biển hoặc đô thị kết nối các đảo nhỏ trong một cụm đảo). Đâu đó chúng ta đã nghe có phương án xây dựng cảng nổi, đảo nổi ở vùng biển Tây Nam - mầm mống của các đô thị trên biển trong tương lai gần. Quảng Ninh có thế mạnh về biển rất lớn, cả về văn hóa biển và ngay từ thời xưa cha ông ta đã xây dựng cảng Vân Đồn ngoài biển xa (ven đảo Quan Lạn), nhưng nay, tỉnh vẫn đứng trước sự lựa chọn vị trí “cảng biển” tương lai theo đúng nghĩa của nó, còn hiện giờ TP. Hạ Long đang phát triển dựa vào bờ và gắn với cảng vịnh nông (Cửa Lục).

Khu vực ven biển luôn được hiểu là bàn đạp để “tiến ra” biển, còn con người rất nhỏ bé khi hiện diện trong không gian biển rộng lớn. Hệ thống quần đảo và đảo của Việt Nam phân bố rộng từ Bắc vào Nam hình thành một thế trận kinh tế - quốc phòng trên biển rất hữu dụng. Tuy vậy, đến nay, liên kết phát triển vùng giữa vùng ven biển, các hệ thống đảo/cụm đảo và các vùng biển còn rất hạn chế. Do đó, việc đầu tiên cần nghiên cứu, xem xét là tái cơ cấu chuỗi đô thị ven biển, định hướng phát triển chuỗi đô thị đảo và đánh giá tiềm năng xây dựng đô thị trên biển đặt trong khuôn khổ tổ chức lại không gian kinh tế biển.

Minh Thư (lược ghi)