Đại biểu Quốc hội thảo luận về về kết quả phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước
Trong nước - Ngày đăng : 08:27, 09/06/2020
Tổ 09 gồm các đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Giang; Hà Tĩnh; Đắc Lắk; Bà Rịa – Vũng Tàu. Đại biểu Quốc hội Đặng Quốc Khánh (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang) làm tổ trưởng, điều hành buổi thảo luận.
ĐBQH tổ 09 thảo luận về về kết quả phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước |
Tại buổi thảo luận, về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): Các đại biểu thống nhất cho ý kiến về sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank; về cơ sở pháp lý của việc tăng vốn điều lệ cho Agribank; về tác động của việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ ngân sách nhà nước; về hình thức văn bản…
Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (đoàn Đắk Lắk) kiến nghị cần xem xét công tác tín dụng tại hệ thống của ngân hàng Agribank bởi hiện nay ở hệ thống ngân hàng này liên tục xảy ra tiêu cực làm thất thoát tài sản của nhà nước. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu cho rằng, nếu bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thì Chính phủ phải có kiểm tra, rà soát lại hệ thống quy trình làm việc của ngân hàng và xây dựng các giải pháp để ngăn chặn những tiêu cực đã xảy ra trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (đoàn Đắk Lắk) phát biểu |
Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Duy Hữu, Đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa – Vũng tàu) nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng nhà nước sử dụng vốn nhà nước cho vay đối tượng chủ yếu là nông dân, cần thiết bổ sung vốn cho ngân hàng này. Củng cố Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn phát triển cần có giải pháp bổ sung các quy định, biện pháp quản lý vốn cho hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu Cúc cũng đưa ra vấn đề, trong việc phòng chống dịch COVID đã có hiện tượng mua trang thiết bị y tế sai phạm. Do đó, để kiểm tra so sánh, cần phải công bố việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các địa phương khác trên cả nước, theo ông Cúc, hiện tại chưa có công bố việc mua sắm này cho các cử tri theo dõi.
Thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước: Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2019 KT-XH nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ tất cả các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu |
Các đại biểu cũng tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2020, trong đó có phân tích rõ về tình hình quốc tế, tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội; Về những vấn đề nổi lên của tình hình KTXH và NSNN 4 tháng đầu năm; Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020, đồng thời các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế ở từng khu vực, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chống thất thoát trong đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với việc sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19, cần xem xét năng lực của từng tỉnh để các địa phương vừa khắc phục khó khăn vừa đảm bảo sản xuất. Trong đó, tập trung các nguồn lực để phát triển các thế mạnh mũi nhọn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm và có các cơ chế, chính sách đến việc giải ngân vốn đầu tư công trung hạn.
Đồng thời, để đạt được những vấn đề mà xã hội quan tâm do dịch Covid-19, mong Quốc hội, Chính phủ thúc đẩy gói an sinh xã hội cũng như các chính sách tiền tệ.
Đại biểu Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) phát biểu |
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh rằng, sự thành công đến thời điểm hiện tại của Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng chống dịch COVID, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội đó là sự quyết tâm và đồng lòng của hệ thống chính trị từ trung ương tới từng người dân trên khắp mọi miền đất nước.
Theo đại biểu Trần Hồng Hà, những quyết sách kịp thời và đúng đắn để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành với người dân; áp dụng thành công khoa học kỹ thuật nhanh, kịp thời đó là nền móng cho những thành quả nêu trên.
Giải đáp những vấn đề mà các đại biểu đặt câu hỏi về bảo vệ môi trường Việt Nam trong quá trình hội nhập; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến ô nhiễm rác thải, nước, không khí…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề lo lắng về sự phát triển bền vững hay không bền vững, hội nhập sâu rộng, toàn diện; vấn đề các dòng vốn và công nghệ lạc hậu, những dự án xấu vào Việt Nam hay không…những vấn đề này đã được cơ quan soạn thảo đưa vào trong dự án Luật BVMT (sửa đổi) và khắc phục được hết những vấn đề này với những tư ưởng mới, tiến bộ, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng môi trường, tiêu chuẩn công nghệ sản xuất ngang với các nước phát triển.
Với dự án Luật BVMT (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ giải quyết được những vấn đề mà các đại biểu đưa ra để việc quản lý nhà nước sẽ thống nhất mỗi việc sẽ tập trung vào một đầu mối để chịu trách nhiệm trước vấn đề mà dư luận quan tâm cũng như việc triển khai thực hiện pháp luật bảo đảm tính thống nhất. Đồng thời, dự án Luật cũng xác định trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân phải đóng góp xã hội khi phát thải ra môi trường, xác định các điều kiện để thực hiện các mục tiêu chính sách; xây dựng lộ trình thu chi ngân sách, đầu tư cho môi trường…
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030: Các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; về quan điểm, nguyên tắc, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; về tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn, tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; về nội dung, giải pháp, đề xuất nguồn lực và sự phù hợp, tính khả thi các dự án, tiểu dự án cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia…
Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) kiến nghị Chính phủ luôn có chính sách cụ thể phòng chống dịch. Với điều kiện tỉnh nghèo, đề nghị có chế độ đặc thù bố trí hỗ trợ.
Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) phát biểu |
Trong chương trình mục tiêu quốc gia để xác định rõ nguồn lực mong muốn phải có dự án khả thi, dự án cụ thể, những nội dung thực tiễn. Chẳng hạn như, vấn đề giải quyết đất nhà ở, đất sinh hoạt cần cân nhắc hỗ trợ nước cho phù hợp đặc biệt là vùng rộng , cao nguyên đá… Hay có dự án nông lâm nghiệp theo thế mạnh của các vùng, đầu tư chăn nuôi gia súc, thúc đẩy thu hút đầu tư.
“Đưa ra mô hình cụ thể mỗi địa phương để có sản phẩm gắn với thổ nhưỡng từng vùng”, Đại biểu Vương Ngọc Hà nhìn nhận.
Đại biểu Vương Ngọc Hà cũng kiến nghị một số cơ chế chính sách gắn với chương trình mục tiêu này: Có chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đồng bào nếu làm được tương lại có nguồn lực cho đồng bào; hỗ trợ bảo tồn văn hoá truyền thống thông qua truyền dạy cho các cháu thiếu nhi…
Đồng quan điểm với đại biểu Vương Ngọc Hà, đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Y Biêr Niê - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh rằng mỗi địa phương có điều kiện tự nhiên, văn hoá, thế mạnh khác nhau cho nên nguồn lực nên để địa phương ưu tiên tập trung xây dựng các mục tiêu riêng của mình. “Khi đầu tư thì nên đầu tư trọn gói, đồng bộ trong lộ trình từ 3-5 năm để phát huy hiệu quả, với hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững, đảm bảo an ninh, mang lại kinh tế cho bà con…”.
Đại biểu Y Biêr Niê - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu |
Liên quan đến nội dung phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018: Các đại biểu tập trung cho ý kiến về các nội dung như: kết quả thực hiện chi NSNN năm 2018, tập trung vào một số khoản chi như: chi đầu tư phát triển, chi cho một số lĩnh vực quan trọng (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chi lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia) và chi chuyển nguồn; việc kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách; hiệu quả quản lý ngân sách; việc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thực hiện dự toán NSNN năm 2018 và quyết toán NSNN năm 2017; việc phân bổ, điều chỉnh dự toán, quyết toán một số khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…