Chú trọng bảo vệ Môi trường ở Hà Tĩnh: “Đòn bẩy” phát triển kinh tế bền vững mạnh về biển

Môi trường - Ngày đăng : 15:15, 08/06/2020

(TN&MT) - Bảo vệ, phát huy tiềm năng về tài nguyên biển, đảo và vùng ven biển có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với kinh tế Hà Tĩnh, chủ quyền của Tổ quốc. Song hành với phát triển kinh tế, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường luôn được chú trọng, đẩy mạnh và được xem là “đòn bẩy” cho phát triển hướng đến mục tiêu bền vững.

Tiềm năng nhìn từ biển

Hà Tĩnh là tỉnh ven biển thuộc Bắc Trung bộ, có đường biển dài hơn 137 km nằm trên địa bàn sáu huyện, thị xã, gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Với hệ thống sông ngòi khá phong phú, trong đó có bốn cửa sông chính đổ ra biển là cửa Hội, cửa Nhượng, cửa Sót, của Khẩu.

Vị trí nằm ở trung điểm của đất nước, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây nối Lào-Thái Lan qua 2 Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, Cửa khẩu Cầu Treo, đến cảng biển nước sâu Vũng Áng- thuận lợi cho trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với khu kinh tế Vũng Áng, nhà máy luyện thép. Với các cửa lạch như Cửa Nhượng và Cửa Sót, dọc bờ biển có nhiều vũng kín thuận lợi xây dựng khu neo đậu tàu thuyền; có nhiều bãi tắm đẹp, danh lam thắng cảnh để phát triển các trung tâm du lịch sinh thái biển.

Hà Tĩnh có tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

Nhằm cụ thể hóa những lợi thế, đẩy mạnh, phát huy khai thác tiềm năng kinh tế biển, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 1386-CTr/TU bằng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Xác định rõ mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển. Trong đó mục tiêu cụ thể là: Phấn đấu năm 2030, kinh tế biển đóng góp 65-70% GRDP của tỉnh.

Từ định hướng đó, dễ nhận thấy những thay đổi lớn, trước đây Hà Tĩnh chỉ được biết đến là địa bàn có ưu thế về nông – lâm- ngư, đến nay, địa phương này đang từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Trong đó, công nghiệp đang dần được coi là thế mạnh. Điểm nhấn cho sự chuyển dịch mang tính đột phá này chính là Khu kinh tế biển Vũng Áng.

Với tổng diện tích 22.781ha, điểm nổi bật của Khu kinh tế biển Vũng Áng là đang hình thành nên một số dự án lớn, như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I được đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng với công suất thiết kế 1.200 MW, bao gồm 02 tổ máy, sản lượng điện thương mại năm 2019 đạt 5.769 triệu kWh; Dự án nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.200 MW, đang hoàn thiện hồ sơ, trình ký các hợp đồng dự án, đồng thời giải phóng mặt bằng... và các nội dung liên quan; Dự án liên hợp gang thép của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh được đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng đã hoạt động lò cao số 1 và số 2 với công suất 7,1 triệu tấn/năm cùng nhiều sản phẩm phụ khác. Nhà máy nhiệt điện của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động có tổng công suất phát điện là 650MW.

Về phát triển du lịch biển, năm 2019, khách du lịch đến tỉnh Hà Tĩnh khoảng 1.750.000 lượt, riêng số lượng khách từ du lịch biển khoảng 525.000 lượt khách. Hiện nay, khu vực ven biển của Hà Tĩnh có trên 1.145 phòng nghỉ, trong đó có hai  khách sạn ba sao, ba khách sạn hai sao và nhiều nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Nhà máy gang thép Hưng nghiệp Fomosa tại Khu kinh tế Cảng Vũng Áng

Về kinh tế hàng hải, sản lượng tàu và hàng hóa thông qua cảng biển Hà Tĩnh những năm gần đây tăng vượt bậc. Nếu như năm 2015, tổng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng biển Hà Tĩnh mới đạt hơn 6 triệu tấn thì con số này của năm 2019 hơn 32 triệu tấn. Riêng hàng nhập khẩu chiếm phần lớn tỷ trọng (gần 17 triệu tấn).

Bên cạnh đó, những tiềm năng phát triển nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng đang dần được đánh thức xứng tầm với lợi thế sẵn có. Theo con số Báo cáo của Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước thuộc Sở TN&MT Hà Tĩnh: Sản lượng khai thác thủy sản của Hà Tĩnh năm 2019 ước đạt 36.669 tấn (đạt 107,85% KH năm 2019, tăng 9,95% so với cùng kỳ), gồm: khai thác biển đạt 31,935 tấn, nội địa đạt 4,734 tấn. Hiện nay, diện tích nuôi tôm công nghệ cao lên 920 ha, tăng 4,5% so với năm 2018; năng suất nuôi thâm canh bình quân đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 - 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát.

“Đặt cược với môi trường”- Hướng mục tiêu mạnh về biển

Nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, trong những năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, tiếp tục xử lý khắc phục khó khăn.

Hoạt động nuôi tôm tự phát thời gian qua trên địa bàn đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường biển

Bên cạnh những cơ hội lớn để vươn ra làm chủ từ biển, mạnh từ biển, giàu từ biển, vùng biển, hải đảo tỉnh Hà Tĩnh đang đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Việc nuôi trồng thủy sản làm phát sinh đáng kể lượng chất thải thời gian gần đây ra môi trường; sự phát triển nhanh của ngành du lịch biển nhưng công tác vệ sinh môi trường chưa được các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này quan tâm một thích đáng dẫn đến rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để... đang ngày càng làm môi trường biển ô nhiễm, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển.

Do vậy, Tỉnh uy Hà Tĩnh yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành kinh tế hàng hải (kinh doanh dịc vụ cảnh biển, vận tải biển), đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, du lịch biển đảo; tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường…

Đoàn công tác Trung ương thị sát, kiểm tra hoạt động tại khu vực cảng biển nước sâu Sơn Dương- Vũng Áng

Đặc biệt, về môi trường phải xem là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tối thiểu 50 % diện tích vùng biển Hà Tĩnh được điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển; Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển. 100% khu khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, có hệ thống xư lý nước thải tập trung, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn, chất thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn về môi trường.

Ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Bất kỳ giá nào Hà Tĩnh cũng không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Do đó, làm cái gì thì yếu tố tiên quyết phải đảm bảo được an toàn cho môi trường, hướng mục tiêu đến phát triển bền vững”.

Ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định : "Hà Tĩnh không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế"

Những năm qua, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã thường xuyên triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao công tác kiểm soát ô nhiễm nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển nói riêng như: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển và trên biển; quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động xã thải của các dự án ven biển, đặc biệt là Khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp fomosa fomosa; tích cực trong công tác giám sát bằng việc vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc tự động; Trong năm 2019, cùng các đơn vị chức năng, giải cứu tàu chở dầu bị chìm ở Vũng Áng và kịp thời ứng phó trước sự cố…

Thanh niên Hà Tĩnh tích cực thu gom rác thải, làm sạch bờ biển

Đặc biệt, để ngăn chặn biển xâm nhập mặn, hạn chế sức tàn phá của sóng biển tại các tuyến đê bao xung yếu, giai đoạn 2013-2019, Hà Tĩnh đã triển khai dự án trồng mới, phục hồi và bảo tồn rừng ngập mặn ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và thị xã Kỳ Anh, với tổng số vốn đầu tư 30, 78 tỷ đồng.

Trao đổi về hoạt động bảo vệ môi trường biển đảo, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Hà Tĩnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cụ thể hơn những nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả luật TNMT biển và các quy định pháp luật liên quan khác, nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Hướng mục tiêu kinh tế biển phát triển bền vững, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển”.

 

Đức Cảnh