Cần xử lý nghiêm cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Điện Biên Phủ

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:49, 08/06/2020

(TN&MT) - Tại tổ dân phố 6, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, một cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn của hộ ông Vũ Văn Bằng không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải, chất thải chăn nuôi thải thẳng ra môi trường, hành lang phố gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đô thị và sức khỏe của người dân.

Cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại tổ dân phố 6, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên).

Theo phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi không bảo đảm vệ sinh, PV Báo Tài nguyên Môi trường tìm đến khu vực tổ dân phố 6, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên). Tại đây, 01 trại chăn nuôi bò, ngựa, dê và gà, ngan, vịt, quy mô gần 100 con gia súc và hàng trăm con gia cầm, thuỷ cầm. Thời điểm chúng tôi có mặt, đàn bò, ngựa đã được gia đình đưa đi chăn, còn lại trong chuồng là hơn 40 con dê và hàng trăm con ngan, gà, vịt. Chất thải gia súc, gia cầm chưa được thu gom bốc mùi hôi thối cả khu dân cư. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường là của hộ ông Vũ Văn Bằng, điều đáng nói là cơ sở này tồn tại nhiều năm mà chưa được các ngành chức năng xử lý dứt điểm, khiến người dân bức xúc, cơ sở chăn nuôi này nằm sát bên là khu du lịch sinh thái Him Lam..

Trao đổi với PV, nhiều hộ gia đình sinh sống gần cơ sở chăn nuôi của ông Vũ Văn Bằng bức xúc nói: Cơ sở chăn nuôi có quy mô hàng trăm con ngang nhiên tồn tại trong khu dân cư mà lại ngay mặt phố. Điều đáng nói là chất thải chăn nuôi từ cơ sở này không được xử lý đúng quy trình, phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của những hộ dân xung quanh. Vào buổi tối và sáng sớm, nhất là khi thời tiết nắng nóng, mùi hôi bốc ra càng khó chịu.

Chất thải chăn nuôi chưa được xử lý tập kết cả trên hè phố

Một người dân nhà ở gần cơ sở chăn nuôi kể: Nhiều hôm chúng tôi phải đóng cửa 24/24 giờ, ngày lạnh cũng phải bật quạt để xua mùi. Một số hộ kinh doanh gần đó luôn trong tình trạng vắng khách vì mùi hôi. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều lần có ý kiến song ông Bằng chỉ khắc phục qua loa. Không có hệ thống thu gom, xử lý chất thải khiến chất thải tràn ra cả ngoài đường, nhất là những ngày trời mưa, nước thải và chất thải gia súc chảy tràn trên hè phố, ô nhiễm nghiêm trọng.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện Phòng TN&MT TP. Điện Biên Phủ cho biết: Trước đó, tháng 3-2020, khi một số công dân phản ánh tình trạng ô nhiễm từ cơ sở chăn nuôi này, Phòng TN&MT thành phố đã kiểm tra làm rõ. Theo đó, trại nuôi lợn của ông Bằng hoạt động từ năm 2016 nuôi bò, ngựa và gia cầm các loại, gồm 2 dãy chuồng, quy mô nuôi hang trăm con trên tổng diện tích khoảng 600m2. 

Chất thải thải chăn nuôi thải thẳng ra hệ thống thoát nước của khu dân cư gây tắc nghẽn dòng chảy.

Những tồn tại được Phòng TN&MT TP. Điện Biên Phủ chỉ ra, đó là: Thời điểm kiểm tra, cơ sở chăn nuôi của hộ ông Bằng chưa lập bản cam kết bảo vệ môi trường; chưa có biện pháp quản lý, xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh, phân gia súc, gia cầm không được thu gom, vận chuyển đi mà chỉ được xử lý thu gom thành đống tại chỗ, chưa có hệ thống xử lý nước thải; nước thải thải thẳng ra hệ thống thoát nước của khu dân cư, nước thải có màu đen, tồn đọng nhiều tạp chất tại khu vực cống thoát nước…

Từ những kiến nghị của người dân tổ 6, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, đề nghị UBND phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, cơ quan chuyên môn TP. Điện Biên Phủ chấn chỉnh, xử lý triệt để việc xả thải gây ô nhiễm của cơ sở chăn nuôi, không để tái diễn vụ việc. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các cơ sở chăn nuôi không chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, tránh để người dân bị ảnh hưởng trong thời gian dài. 

Được biết, Luật Chăn nuôi 2018 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) quy định cấm việc chăn nuôi trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Do đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động hộ ông Bằng nói riêng và các hộ khác chủ động phương án di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư hoặc có phương án chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với sự phát triển của thành phố, bảo vệ cảnh quan môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Hoàng Châu