Khi Chính quyền buông lỏng quản lý khoáng sản! Bài 4: Khai thác đá nhiều năm nhưng vẫn chưa được thuê đất…
Khoáng sản - Ngày đăng : 13:55, 04/06/2020
Điển hình là Công ty TNHH Minh Tâm Tây Bắc, có địa chỉ tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, do ông Khuất Duy Dũng làm đại diện pháp luật. Dù doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng trong 3 năm nhưng thực tế, trước đó cả vạt núi đã bị khai thác. Điểm mỏ khi cấp lại tụt vào trong, giáp với cả một vùng núi rừng tự nhiên. Điều lạ, mỏ được cấp năm 2017 nhưng đến tháng 8/2019, khi Sở TN&MT Sơn La kiểm tra, Doanh nghiệp vẫn chưa được thuê đất. Không chứng minh được số đất đá, khai mỏ… Vậy, có hay không hành vi trốn thuế ở đây?
Sự thật ở mỏ đá Minh Tâm
Trao đổi với Phóng viên, anh C, nhân viên bán xăng dầu gần đối diện với đường vào mỏ đá cho biết: Ngày nào cũng vậy, đoàn xe chở bê tông, chở đá của Doanh nghiệp Minh Tâm đều đi lại tấp nập. Những chiếc xe tải trọng lớn 3 - 4 chân của doanh nghiệp chở bột cát, đá dăm, đá 2 x 4 văng khắp đường, nguy hiểm hơn, xe tải đã làm cả đoạn đường QL6 bị xuống cấp trầm trọng, rạn nứt… gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Còn chị Giàng Thị K, một người dân trồng trọt gần khu mỏ kể: Lúc trước, toàn bộ từ ngoài vào phần lớn là núi đá với rừng tự nhiên. Rồi không hiểu sao, thấy có ông Dũng về đây, mang máy vào đào xới, dần dần mỏ đá hình thành, lúc đầu núi cao, sau cứ vẹt dần, giờ chỉ còn bãi bằng…
Trong vai những người đi mua gạch không nung, nhóm Phóng viên đã vào khu vực bãi bờ của Doanh nghiệp Minh Tâm và nhận thấy: Có rất nhiều điểm bất thường tại đây. Theo giấy phép khai thác diện tích mỏ rộng 3,5 ha. Hệ tọa độ X(m) 1 - 2.298.00,00 - Y(m) 579.347,00; 2 - 2.298.035,00 - Y(m) 579,556,00…. Tuy nhiên, cả vạt núi phía trước, 2 vạt núi 2 bên sườn dẫn vào đã bị khai thác từ bao giờ. Và cuối cùng, vị trí khai mỏ lại tít vào đằng trong lòng núi, giáp với núi rừng tự nhiên. Đối chiếu từ lúc thành lập Doanh nghiệp Minh Tâm năm 2009 cho đến khi cấp mỏ là năm 2017, trước đó, doanh nghiệp này chưa có giấy phép khai thác… thì căn cứ nào, doanh nghiệp có thể xúc, đào khu đá này? Dư luận đặt dấu hỏi, hàng vạn khối đá đã đào xúc, tạo ra cả 1 mặt bằng lớn như hiện nay đi đâu? Ai “chống lưng” để Doanh nghiệp Minh Tâm lấy đi toàn bộ số lượng đất đá đó?
Tiếp tục đi vào trong mỏ đá, Phóng viên thấy, mỏ đá khai thác không có cắt tầng, làm theo kiểu máng vỉa, hầm ếch thợ đá cheo leo đu lên khoan đá, nổ mìn theo chiều thẳng đứng, nguy hiểm kiểu “tạm bợ”. Phía bên cạnh khu mỏ vẫn là những quả núi mọc đầy rừng tự nhiên với nhiều cây gỗ to…
Phân tích về những sự việc này, Luật sư Thu Phương (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Nếu muốn làm rõ số lượng đá đã xúc đó, mang đi đâu, khối lượng ra sao, chỉ cần Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vào cuộc sẽ rõ, có hay không việc “ăn cắp khoáng sản” ở đây.
Mỏ đá Công ty TNHH Minh Tâm, khai thác kiểu vỉa, không cắt tầng lớp |
Đào xúc 2 năm, vẫn chưa thuê đất
Qua điều tra, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường được biết: Ngày 12/5/2017, UBND tỉnh Sơn La có Quyết định số 1190/GP-UBND, do ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ký cho phép Doanh nghiệp tư nhân Minh Tâm khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá thuộc khu vực bản Hua Tạ, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Thời gian kể từ ngày ký cho đến hết năm 2020. Mỗi năm, Doanh nghiệp này chỉ được khai thác có 60.000 m3/năm. Diện tích khai thác là 3,5 ha. Căn cứ theo Giấy phép này, Doanh nghiệp Minh Tâm phải có trách nhiệm thực hiện đủ 9 nội dung mà trong giấy phép đã nêu mới đủ điều kiện đi vào khai thác.
Nhưng bất chấp pháp luật, Doanh nghiệp tư nhân Minh Tâm, nay là Công ty TNHH Minh Tâm Tây Bắc do ông Khuất Duy Dũng là Giám đốc đã tiến hành khai thác, việc này trái với Khoản 4, Điều 2 của Giấy phép. Cụ thể: “Trước khi tiến hành khai thác, phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo Sở TN&MT để kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác đá và cắm mốc giới hạn, phạm vi khu vực được phép khai thác, phải thực hiện thủ tục mục đích chuyển đổi sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng trên của doanh nghiệp này, ngày 16/11/2018, UBND tỉnh Sơn La đã có Công văn số 4165/UBND-KT yêu cầu dừng khai thác vì các quy định trên.
Ngày 12/8/2019, ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở TN&MT Sơn La đã có Thông báo số 826/TB-STNMT nêu rõ: Trong quá trình khai thác, Công ty TNHH Minh Tâm Tây Bắc còn có khuyết điểm như: Công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền nào chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất theo quy định của đất đai. Công ty không thông báo bằng văn bản về kế hoạch đo đạc bản đồ hiện trạng, bản đồ mặt cắt về cho Sở TN&MT theo quy định. Không cung cấp được hồ sơ, sổ sách, hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định cho đoàn kiểm tra… Như vậy, kể từ lúc cấp giấy năm 2017 mà đến 2019 là 2 năm, doanh nghiệp vẫn chưa được thuê đất. Vậy tại sao, vẫn xông vào đất núi rừng tự nhiên để khai thác.
Nhận định về những hành vi nói trên, Luật sư Ngụy Thanh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Đúng là những chuyện giỡn luật đó, chỉ có ở Sơn La, chứ nếu một doanh nghiệp nào khai mỏ mà làm sai, như ở Quảng Ninh, Hải Phòng… thì chỉ phút mốt là Cảnh sát kinh tế sẽ hỏi thăm. Chứ đằng này, không đủ thủ tục, chẳng có giấy tờ vẫn vẫn ung dung, rung đùi khai thác…
Báo Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới đọc giả khi có phản hồi từ phía các cơ quan chức năng.