Hành động để bảo vệ thiên nhiên: Chủ động bước vào “thập niên phục hồi hệ sinh thái”
Môi trường - Ngày đăng : 13:47, 04/06/2020
PV: Thưa Thứ trưởng, thông điệp chính của Ngày Môi trường thế giới 5/6/2020 là “Hành động vì thiên nhiên”, Bộ TN&MT có các hoạt động gì để lan tỏa thông điệp này tới cộng đồng?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Hành động vì thiên nhiên”, với mục tiêu là thúc đẩy các quốc gia trong việc cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học thông qua các biện pháp, hoạt động nhằm phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Hành động vì thiên nhiên cũng là tiếng gọi mỗi người chúng ta phải cùng chung tay có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và trái đất của chúng ta.
Nhằm tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2020; căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế tại thời điểm tổ chức các hoạt động hưởng ứng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có Công văn số 2906/BTNMT-TTNMT đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Cụ thể, tổ chức tuyên truyền (sáng tạo, đổi mới cách thức thực hiện, hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin) về chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức của cộng đồng. Khuyến khích treo băng rôn, pano, áp phích được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp.
Căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa, ứng phó với biến đổi khí hậu; các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng như Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải, từ chối sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học: Xây dựng nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, bảo tồn nguồn gen; kiểm soát nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; quản lý sinh vật ngoại lai; thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc: không săn bắt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; không khai thác, đánh bắt, sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên; xây dựng nền kinh tế tuần hoàn chất thải, chống rác thải nhựa trên cạn và đại dương…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân |
PV: Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đã đạt được thành tựu nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Thời gian qua, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã huy động được sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên: Mạng lưới khu bảo tồn thiên nhiên, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar), Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Di sản ASEAN được liên tục mở rộng. Hiện cả nước có 173 khu bảo tồn với tổng diện tích hơn 2.500 ha (2.500.409,67 ha), gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Trong hai năm qua, đã thành lập mới 2 khu bảo tồn đất ngập nước (khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và KBT đất ngập nước Phá Tam giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế)). Đến nay, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và khu vực đã được công nhận các Danh hiệu quốc tế, gồm: 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 02 khu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, 9 khu Ramsar, 10 khu Vườn di sản ASEAN. Việt Nam cũng đã hoàn thành việc thiết lập mới 3 hành lang đa dạng sinh học. 2 khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) vừa mới được công nhận.
Về bảo tồn loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm: Các loài hoang dã nguy cấp được đánh giá và đưa vào Sách Đỏ, chú trọng bảo tồn thông qua việc lập các danh mục với mức độ nguy cấp và ưu tiên bảo vệ để quy định chế độ quản lý tương ứng. Nhiều chương trình bảo tồn loài đã được phê duyệt và triển khai (chương trình bảo tồn hổ; voi, linh trưởng, rùa nguy cấp...). Thiết lập các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học (có 7 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học được thành lập theo Luật Đa dạng sinh học).
Việc tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua đã góp phần ngăn chặn việc buôn bán, tiêu thụ các loài nguy cấp, vừa góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và Thế giới.
Về bảo tồn nguồn gen, quản lý việc tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích: Thông qua Chương trình quỹ gen đã tiến hành bảo tồn nguồn gen quý trên phạm vi cả nước, đặc biệt nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản và dược liệu. Đến nay, trên toàn quốc đã có trên 30 tỉnh đưa các loại hình nhiệm vụ quỹ gen vào thực hiện hàng năm. Số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ.
Hệ thống quản lý và cấp phép tiếp cận quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích đã đi vào hoạt động theo Nghị định số 59/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/4/2017 về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Trong năm 2019 và đầu 2020, đã ban hành 40 Quyết định cho phép đưa nguồn gen ra nước ngoài phục vụ học tập, nghiên cứu không vì mục đích thương mại đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký đủ điều kiện; 1 Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại; 1 Giấy phép tiếp cận nguồn gen.
Về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại an toàn sinh học: Bộ TN&MT đã ban hành danh mục để quản lý, kiểm soát kèm theo chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại vào các quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự. Hướng dẫn, chỉ đạo việc kiểm soát tình hình nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Kịp thời ngăn chặn các trường hợp nhập khẩu, buôn bán trái phép, như vụ việc trường hợp tôm hùm nước ngọt năm 2019.
Về việc kiểm soát các tác động từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới đa dạng sinh học: Việt Nam đã thực hiện tốt công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường để kiểm soát các tác động từ hoạt động phát triển kinh tế xã hội tới đa dạng sinh học. Các quy hoạch, kế hoạch, dự án có tiềm năng gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, các loài sinh vật, khu bảo tồn thiên nhiên đều được chú trọng đánh giá tác động đa dạng sinh học để phòng ngừa và thực hiện các biện pháp và phương án giảm nhẹ tác động xấu tới môi trường và đa dạng sinh học.
Đặc biệt, năm 2019, đã có 3 chiến lược, quy hoạch đã được thẩm định báo cáo ĐMC; các Bộ, ngành đã phê duyệt 507 báo cáo ĐTM; 88 dự án được cấp trung ương xác nhận hoàn thành. Thông qua công tác ĐMC, ĐTM, đã có 47 hồ sơ báo cáo không được thông qua do chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; các chiến lược, quy hoạch phát triển đã có sự điều chỉnh các định hướng phát triển, bố trí không gian phát triển và đầu tư phù hợp hơn về môi trường; hầu hết các dự án đầu tư đã được yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung các biện pháp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường, trong đó tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, giám sát môi trường, nhất là đối với các dự án có nguồn thải lớn, thuộc lĩnh vực ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Khu bảo tồn đất ngập nước Phá Tam Giang - Cầu Hai tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: MH |
PV: Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, giai đoạn 2021 - 2030 là Thập niên phục hồi hệ sinh thái. Trước thềm của thập niên mới, Bộ TN&MT đã có những giải pháp gì để bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân:
Trước khi bước vào “thập niên phục hồi hệ sinh thái”, tôi cho rằng, Việt Nam cần có chủ động để khẳng định được sự đóng góp trong việc thực hiện các mục tiêu chung của quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc xây dựng các cơ chế chính sách mới, triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước bị suy thoái; bảo tồn hiệu quả loài và nguồn gen.
Thời gian tới, để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ TN&MT cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp và ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, chú trọng các quy định về bảo vệ các cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm các tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tới đa dạng sinh học. Coi đầu tư vào vốn tự nhiên là giải pháp để thực hiện phát triển bền vững.
Thực hiện xây dựng Chiến lược và Quy hoạch quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học cho giai đoạn 10 năm tiếp theo, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu bảo tồn đến năm 2030.
Tăng cường giải pháp quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học nói chung.
Tăng cường quản lý hệ sinh thái đất ngập nước, bao gồm thiết lập các khu bảo tồn đất ngập nước, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; thực hiện chương trình bảo tồn loài nguy cấp; quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen.
Thúc đẩy các hoạt động quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.
Tiếp tục thúc đẩy hợp tác của các bên liên quan, bao gồm hợp tác quốc tế, sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý về đa dạng sinh học.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Các yêu cầu về bảo tồn đa dạng sinh học đã được quy định khá toàn diện tại Luật Đa dạng sinh học (2008) và tại nhiều văn bản luật có liên quan: Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Lâm nghiệp (2017), Luật Thủy sản (2017), Luật Quy hoạch (2017), Bộ luật Hình sự (2015)... Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2030, Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020, Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015)... đã được phê duyệt và triển khai thực hiện trong cả nước.