Quảng Ninh phát triển bền vững nguồn lợi thuỷ sản
Biển đảo - Ngày đăng : 10:06, 04/06/2020
Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đã tạo ra sự chuyển biến quan trọng trong công tác này. Đến nay, các sở, ngành, địa phương đã ban hành 426 văn bản các loại để chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh, vận chuyển chất nổ, xung điện, ngư cụ khai thác thủy sản; tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn và tổ chức cho ngư dân ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Thả cá giống tại vùng nước sâu ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn |
Song song với đó, thời gian qua, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã tuyên truyền trực tiếp cho hơn 100 nghìn lượt ngư dân, đăng tải 1.273 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, địa phương; in ấn, cấp phát trên 167 nghìn tờ rơi; 14 nghìn bộ tài liệu; tổ chức 28 hội nghị tuyên truyền, đối thoại với trên 4.400 ngư dân; mở 73 lớp tập huấn kỹ năng cơ bản về phòng, chống khai thác thuỷ sản mang tính chất huỷ diệt cho trên 3.400 lượt người...
Nhiều hộ ngư dân ở huyện Vân Đồn chuyển từ nghề đánh bắt sang nuôi cá lồng bè theo hướng bền vững |
Trong hơn 2 năm qua, đường dây nóng của tỉnh do Sở NN&PTNT là cơ quan thường trực, đã tiếp nhận, xử lý 280 tin báo, trong đó có 191 tin tố cáo của người dân về vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng đã xử lý 39 trường hợp với số tiền trên 277 triệu đồng.
Cùng với đó, các lực lượng chuyên môn đã đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, xử lý ngư dân sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm để khai thác thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện 3.494 vụ vi phạm quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó xử phạt 3.473 vụ, thu phạt nộp ngân sách nhà nước trên 19,6 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 594 bộ kích điện, 79 súng điện, 9.730m dây điện, cùng nhiều công cụ khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt.
Chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi hà treo dây đem lại việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ ngư dân ở xã Hoàng Tân, TX.Quảng Yên |
Đặc biệt, cơ quan chức năng của tỉnh đã tịch thu, tiêu hủy 30 phương tiện tàu cá vi phạm theo quy định. Hiện lực lượng chức năng đã rà soát, tổng hợp danh sách 1.277 chủ tàu hoạt động nghề cấm trên địa bàn để tham mưu cho tỉnh có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Cùng với đó, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được cơ quan, đơn vị và người dân trong tỉnh tích cực thực hiện. Trong 3 năm gần đây, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thả trên 11 triệu con giống tôm, cua, cá về môi trường tự nhiên, qua đó góp phần tái tạo, duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang thực hiện Dự án quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; thả rạn nhân tạo, trồng bổ sung phục hồi san hô, khoanh vùng 13 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản quý như sá sùng, ngán, rươi..
Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh bắt giữ tàu dùng công cụ khai thác thủy sản trái phép vào tháng 3/2020 |
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu đã yêu cầu các địa phương, lực lượng chuyên trách rà soát lại đội ngũ nhân sự, chấn chỉnh lại hoạt động kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm và cơ chế tiếp nhận xử lý, phản hồi thông tin đường dây nóng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tiếp tục vận động các hộ ngư dân chuyển đổi nghề và đánh giá lại hiệu quả sau chuyển đổi nghề để có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân giai đoạn tới.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều loài có nguy cơ cạn kiệt đã sinh trưởng, phát triển trở lại, góp phần làm đa dạng hệ sinh thái biển tại vùng biển Quảng Ninh.