Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: Thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung

Môi trường - Ngày đăng : 06:13, 04/06/2020

(TN&MT) - Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại có phạm vi phục vụ trên địa bàn một tỉnh, nhằm thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung.

Khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng

Trao đổi với báo chí vào ngày 3/6 về một số quy định mới về quản lý chất thải nguy hại trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, công tác quản lý chất thải nguy hại đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập, như các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đều ở mức độ vừa và nhỏ, phân tán mà chưa có một cơ sở xử lý tập trung cấp vùng, quy mô lớn.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trao đổi với báo chí về những quy định mới về quản lý chất thải nguy hại

Do việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa được thực hiện hiệu quản dẫn đến việc quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ sinh hoạt của cá nhân, hộ gia đình chưa được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc vận chuyển chất thải nguy hại hiện nay phải thực hiện bằng phương tiện ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc việc phát sinh chất thải nguy hại phải thực hiện đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại để cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, làm phát sinh thêm thủ tục cho cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Giải quyết những bất cập này, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã đưa ra các quy định mới. Đó là giao Bộ TN&MT ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường để giải quyết bất cập trong việc phân định chất thải nguy hại (theo quy định hiện nay chủ nguồn thải phát sinh chất thải phải lấy mẫu để phân định dẫn đến tốn kém không cần thiết).

Dự thảo Luật quy định không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại có phạm vi phục vụ trên địa bàn một tỉnh (khoản 3 điều 87); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn các tỉnh khác về xử lý tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại thuộc địa bàn quản lý của tỉnh (khoản 6 Điều 87).

“Đây là điều rất cần thiết để thúc đẩy xây dựng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung, quy mô lớn. Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 87 về việc Nhà nước khuyến khích và có chính sách ưu đãi cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; khuyến khích việc đầu tư các cơ sở xử lý chất thải nguy hại quy mô cấp vùng”, ông Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiền, dự thảo Luật còn yêu cầu chất thải nguy hại phát sinh trong sinh hoạt phải được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện thu hồi, xử lý theo quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải nguy hại. Quy định này sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra do chất thải nguy hại trong sinh hoạt gây ra, tuy nhiên cần phải có chính sách giám sát khả thi và phù hợp.

Thêm vào đó, dự thảo Luật đã bỏ quy định cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại mà thay bằng hình thức khai báo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường. Việc này giúp cải cách thủ tục hành chính mà vẫn đảm bảo yêu cầu về quản lý.

Đồng thời, đưa ra quy định mới về các đơn vị được phép vận chuyển chất thải nguy hại đến cơ sở xử lý, như: ngoài tổ chức có giấy phép môi trường phù hợp với loại chất thải cần xử lý thì chủ nguồn thải chất thải nguy hại có phương tiện, thiết bị phù hợp bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường cũng được phép vận chuyển chất thải nguy hại. Điều này nhằm giảm thiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua đồng thời vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc vận chuyển chất thải nguy hại. “Tuy nhiền cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động này nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đổ trộm chất thải”, ông Hiền lưu ý.

Phó Tổng cục trưởng cũng cho biết thêm, dự thảo Luật còn đưa ra quy định yêu cầu chủ xử lý phải công khai, cung cấp thông tin về loại, số lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử lý; thông tin về tên, địa chỉ các chủ nguồn thải chất thải nguy hại được thu gom, xử lý để được giám sát theo quy định.

Đốt rác thải điện tử, y tế: Vĩnh Phúc phải xử lý dứt điểm

Cũng tại buổi họp báo, thông tin về việc đốt rác thải điện tử, rác thải y tế ở Vĩnh Phúc mà báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền cho biết, đã có công văn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng tập kết, đốt rác thải trên địa bàn.

Rác thải điện tử tại thôn Yên Thịnh, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc


Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg về “quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ” của Thủ tướng Chính phủ, đối với tivi, nhà sản xuất, nhà phân phối có trách nhiệm thiết lập điểm thu hồi, thu hồi các tivi hỏng để đem về xử lý. Tuy nhiên, vì mang tính khuyến khích và bản thân người dân cũng chưa ý thức được tác hại của việc thải bỏ các chất thải điện tử ra ngoài môi trường, nhất là màn hình tivi.Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Hiền cho rằng, việc này liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhà sản xuất. Về khía cạnh pháp luật hiện nay cũng mới chỉ có quy định mang tính khuyến khích.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng khẳng định nếu đúng theo quy định, những tivi cũ, hỏng sẽ phải chuyển cho các cơ sở tái chế chất thải nguy hại xử lý.

"Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý. Tất nhiên, để tồn tại bãi rác như thế, đó cũng là vấn đề trách nhiệm quản lý ở góc độ địa phương," ông Hiền nói thêm.

Về nội dung công văn, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc kiểm tra, xác minh tình trạng đổ trộm và đốt rác thải điện tử và có biện pháp thu gom, xử lý theo đúng quy định.

Đối với tình trạng đốt rác thải y tế tại huyện Yên Lạc, Tổng cục Môi trường cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp thu gom, xử lý nếu trên theo đúng quy định, không làm ảnh hướng tới sức khỏe của người dân./.

Tống Minh