Vụ chung cư Đống Đa (TP. Huế) xuống cấp nặng: Dân đối thoại cùng chính quyền, đồng tình cải tạo
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 05:29, 03/06/2020
Liên quan đến vụ việc “Chung cư Đống Đa ở TP. Huế xuống cấp nặng” mà Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đang phản ánh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có buổi đối thoại với cấp đảng ủy, chính quyền và đại diện cư dân sống tại chung cư nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như lên phương án cải tạo, chỉnh trang...
Một góc khu chung cư Đống Đa (ảnh) hiện tại |
Dân đồng thuận
Người dân bày tỏ vui mừng khi có lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đối thoại để cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ; đồng thời thống nhất đồng tình với chủ trương của tỉnh trong việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Đống Đa.
Nhiều người dân kiến nghị nhà đầu tư nào vào thực hiện thì phải có năng lực kinh tế, đảm bảo chất lượng, tiến độ thời gian để cuộc sống người dân bớt bị ảnh hưởng. Một số người dân kiến nghị cần có chính sách thỏa đáng; tránh thiệt thòi cho người dân...
“Chúng tôi thống nhất với chủ trương của tỉnh trong việc cải tạo, xây dựng lại chung cư Đống Đa là rất hợp lý vì hiện trạng chung cư quá xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn và cảnh quan khu vực. Người dân rất mong chủ đầu tư tham gia phải có năng lực kinh tế, cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện dự án từ 1 đến 3 năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống...” - bà Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ trưởng Tổ dân phố Đống Đa, chung cư Đống Đa nêu ý kiến.
Người dân chia sẻ vướng mắc tại buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh |
Ông Lê Trọng Lư chia sẻ, khu chung cư Đống Đa nằm ở trung tâm thành phố, vì vậy khi xây dựng phải làm cho đẹp, bởi đây là bộ mặt của thành phố. Bên cạnh đó, việc xử lý vấn đề dân ở, dân đi, hỗ trợ, bồi thường như thế nào cho hợp lý, tránh để cho người dân bị thiệt, tránh trường hợp kiện cáo; chính quyền tạo điều kiện cho người dân gặp nhà đầu tư để đối thoại trực tiếp trước sự chứng kiến của các cấp chính quyền để bà con yên tâm, tránh tình trạng bỏ giữa chừng...
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần xem xét điều chỉnh tăng hệ số chênh lệch diện tích căn hộ cũ, hệ số chuyền tầng đối với dự án. Theo phương án bố trí căn hộ tái định cư, các hộ gia đình bị giải tỏa được bố trí căn hộ mới có diện tích sử dụng tối thiểu không nhỏ hơn 30m2 sàn và không phải trả tiền cho chủ đầu tư phần diện tích tái định cư bằng 1,3 lần diện tích căn hộ hợp pháp cũ (hệ số 1,3).
Nhiều vị trí tại chung cư đang xuống cấp |
Cho dân lựa chọn nhà đầu tư
Chủ trì buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Thiên Định khẳng định quan điểm của tỉnh là phải đảm bảo sự an toàn cho các hộ dân sinh sống tại đây.
“Nếu một ngày nào đó, trước sự xuống cấp nghiêm trọng, khu chung cư Đống Đa xảy ra sự cố sụp đổ thì như thế nào. Trong quá trình nghiên cứu thực hiện, lãnh đạo tỉnh và các ngành có liên quan luôn trăn trở, làm sao cho cuộc sống của bà con khi thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại chung cư thì phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn, an toàn hơn và đảm bảo các quyền lợi chính đáng của bà con; trong quá trình xây dựng cải tạo cũng phải đảm cuộc sống thuận lợi cho bà con...”, ông Định bày tỏ.
Theo vị Phó chủ tịch tỉnh, việc cải tạo xây dựng lại khu chung cư Đống Đa không phải là thu hồi đất của người dân để cấp cho chủ đầu tư mà là người dân lựa chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình. Người dân chung cư chính là người lựa chọn nhà đầu tư (doanh nghiệp) tham gia đầu tư vốn hoặc góp vốn để thực hiện dự án, tỉnh chỉ giới thiệu các chủ đầu tư có khả năng cho người dân lựa chọn. Tuy nhiên, trường hợp nhà chung cư bị hư hỏng nặng thuộc diện bị phá dỡ, sau thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày UBND tỉnh công bố công khai kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư dự án thì tỉnh có trách nhiệm cưỡng chế phá dỡ và tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó.
Cầu thang nứt nẻ, tay vịn không an toàn |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định với các cư dân ở khu chung cư Đống Đa là chính quyền sẽ luôn đứng bên cạnh bà con, tư vấn, hỗ trợ và cùng bà con tháo gỡ những vướng mắc. Việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư là do chính bà con sau khi tiến hành tổ chức Hội nghị người dân trong khu chung cư thống nhất quyết định; không có chuyện chính quyền tỉnh tham gia “bảo kê” cho doanh nghiệp vào đây để kiếm lời.
“Sau khi thống nhất việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư Đống Đa, khi nào bà con vào sinh sống trở lại ổn định, thoải mái thì khi đó chúng tôi mới an tâm trọn vẹn...” - ông Phan Thiên Định chia sẻ.
Sau buổi đối thoại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở ngành liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án chuẩn bị cho buổi đối thoại với tất cả người dân chung cư trong thời gian tới. Đồng thời, sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân để đảm bảo công tác cải tạo xây dựng chung cư đáp ứng được mục tiêu an toàn, nâng cao đời sống người dân và cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố.
Được biết, thời gian thực hiện cải tạo khu chung cư Đống Đa từ năm 2020 - 2024, trước mắt tập trung vào 3 dãy nhà A, B, C với diện tích khu đất hiện trạng là 8.664 m2. Trong thời gian này, các hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng để đảm bảo cuộc sống.
Buôn bán, kinh doanh trái phép trong khu chung cư |
Như đã phản ánh, khu chung cư Đống Đa bao gồm 5 dãy nhà A, B, C, D, E tại phường Phú Nhuận (TP. Huế), được xây dựng đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian năm 1977 - 1991 và tồn tại cho đến nay. Theo thiết kế thì tổng diện tích xây dựng là 3.307 m2, tổng diện tích sàn sử dụng là 7.971 m2. Hiện có hơn 200 căn hộ đang sinh sống và kinh doanh buôn bán. Cụ thể, nhà A xây 5 tầng, 80 căn hộ. Nhà B 3 tầng, có 54 căn hộ. Nhà C xây 3 tầng, có 27 căn hộ. Nhà D 5 tầng, 34 căn hộ. Nhà E 2 tầng với 24 căn hộ. Qua thời gian, công trình đang dần xuống cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Cụ thể các khu nhà đã hư hỏng, công năng lạc hậu, chất lượng thấp (nhất là khu nhà A); hiện các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống với tiện nghi ở thấp, không an toàn. Việc tùy tiện đập phá, dỡ bỏ các bức tường, kết cấu chịu lực tại khu nhà A cũng như các khối nhà khác làm mất an toàn chịu lực công trình, có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ toàn bộ tòa nhà bất cứ lúc nào... Hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) không đảm bảo so với các quy định về PCCC hiện hành. Ngoài ra, việc cơi nới, lấn chiếm xây dựng thêm tiếp giáp với dãy nhà chung cư để tăng diện tích sử dụng đã và đang xảy ra, một số hộ ở phía đường Lê Hồng Phong mở cửa rộng ra để phục vụ kinh doanh...
Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.