Dự báo bão đổ bộ Mumbai, Ấn Độ bắt đầu sơ tán các khu vực ở bờ biển phía Tây

Thế giới - Ngày đăng : 19:38, 02/06/2020

(TN&MT) - Giới chức trách Ấn Độ cho biết nước này bắt đầu sơ tán người dân khỏi các khu vực trũng thấp trong và xung quanh Mumbai trước khi một cơn bão ​​sẽ tấn công bờ biển phía Tây của đất nước vào ngày 3/6 theo dự báo.

Một xe buýt chở bệnh nhân COVID-19 sơ tán từ một bệnh viện tạm thời đến các bệnh viện khác trước khi bão Nisarga tấn công Mumbai, Ấn Độ vào ngày 2/6/2020. Ảnh: Reuters

Dự báo, cơn bão sẽ đổ bộ thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ vào chiều 3/6, gây áp lực cho các dịch vụ khẩn cấp đang vật lộn với sự bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất tại nước này.

Thành phố đông dân nhất Ấn Độ có hơn 53.000 trường hợp nhiễm COVID-19, với hơn 1.600 trường hợp tử vong.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ngày 2/6 cho biết, một vùng trũng sâu ở Biển Ả Rập rất có thể mạnh lên thành bão lốc trong 12 giờ tới, và tiếp tục là một cơn bão mạnh trong 12 giờ sau đó.

IMD cho biết, được đặt tên là Nisarga, cơn bão có thể đổ bộ từ phía Bắc của bang Maharashtra đến bờ biển phía Nam bang Gujarat, với sức gió lên tới 120 km/h, tương đương với cơn bão mạnh cấp 1.

“Hai bang trên đã huy động hơn 30 đội quản lý thảm họa vì bão Nisarga theo dự báo sẽ mang lại lượng mưa rất lớn cho các khu vực bờ biển phía Tây và có thể gây lũ lụt ở các khu vực trũng thấp”, chính quyền 2 bang cho biết.

“Maharashtra, bang có thành phố Mumbai là thủ phủ, đã chuyển những người sống trong các khu ổ chuột và nhà tạm ở các khu vực nghèo hơn của bang này đến nơi trú ẩn”, Thống đốc bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết.

Theo K.S. Hosalikar, một quan chức cấp cao của IMD có trụ sở tại Mumbai, bão thường xuyên đi qua khu vực Mumbai đông dân cư, nơi hứng chịu lũ lụt hàng năm trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9.

“Hoạt động cập bến tại cảng container lớn nhất Ấn Độ, Jawaharlal Nehru Port Trust (JNPT), ở ngoại ô Mumbai, có thể bị ảnh hưởng do bão”, Chủ tịch cảng này, Sanjay Sethi cho biết.

Hồi tháng trước, một cơn bão mạnh đã xé toạc bang Tây Bengal của Ấn Độ, gây thiệt hại 1 nghìn tỷ rupee (tương đương 13 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng và mùa màng và cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở Ấn Độ và Bangladesh.

Mai Đan