Quản lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Môi trường - Ngày đăng : 13:59, 02/06/2020

(TN&MT) - Để góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa ban hành Văn bản số 1948/ SNN&PTNT-CCTS yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản và nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Văn bản này nhằm tăng cường nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, cảnh báo môi trường ở vùng tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, thời tiết biến động thất thường, nắng nóng xen kẽ mưa lớn làm cho các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, PH, độ mặn, độ kiềm biến động lớn làm giảm sức khỏe và khả năng chống lại bệnh tật của thủy sản nuôi trồng.

Yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ…

Để ứng phó kịp thời, nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra, Sở NN - PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch số 248/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2020. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi, phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh thủy sản, cập nhập thông tin và thông báo kịp thời đến các cơ sở nuôi. Khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Thả giống với mật độ phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra.

Đồng thời, phổ biến và hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt một số giải pháp kỹ thuật. Trong đó, đối với tôm chân trắng nuôi thâm canh cần lựa chọn giống tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30°C, mật độ thả dưới 80 con/m². Cho ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ tôm nuôi, giảm 15-30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng.

Đối với vùng nuôi ngao, khuyến cáo người nuôi tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi. Duy trì mật độ thả từ 180-200 con/m² cỡ giống từ 400-600 con/kg; dưới 250 con/m² đối với cỡ giống nuôi từ 500-800 con/kg; 250-350 con/m² đối với cỡ giống nuôi từ 800-2000 con/kg. Thường xuyên theo dõi, quan trắc môi trường ở bãi ngao để khuyến cáo, cảnh báo người nuôi. Cần cải tạo mặt bãi, làm các rãnh nước xung quanh để khi thuỷ triều lên sẽ tràn đều, tránh được độ nóng. Nếu phát hiện ngao chết phải thu gom, xử lý ngay để tránh ô nhiễm môi trường biển.

Đối với thủy sản nuôi nước ngọt cần duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,5-2,0m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm bơm ngược lại ao. Theo dõi, quản lý môi trường ao nuôi chặt chẽ, sớm phát hiện các biến động và điều chỉnh các yếu tố môi trường về ngưỡng thích hợp. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay sau khi thiếu nước, hạn hán xảy ra. Khi thủy sản nuôi có biểu hiện bất thường, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo ngay về Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn xử lý kịp thời.

Thu Thủy