Đưa Nghị định số 23/2020/NĐ-CP vào cuộc sống: Phú Thọ quán triệt đến từng Sở, ngành và địa phương

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:07, 02/06/2020

(TN&MT) - Ngay sau đại dịch Covid-19, từ đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Công văn yêu cầu các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP trên địa bàn quản lý.

Tăng cường phối hợp các tỉnh, thành giáp ranh

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ, hiện nay, hoạt động khai thác khoáng sản nói chung cũng như quản lý khai thác cát sỏi lòng sông nói riêng đều được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Các cơ quan đều có các biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện theo các quyết định của Luật, cũng như quyết định của tỉnh, đảm bảo các hoạt động chặt chẽ, đi vào nề nếp. Có thể nói hiện nay, cơ bản hoạt động khai thác cát, sỏi trên các sông của tỉnh Phú Thọ đã từng bước đi vào nề nếp. Các doanh nghiệp cơ bản đã chấp hành theo các quy định của Luật khoáng sản, quy định của giấy phép, quy định của tỉnh. Ngoài ra, đối với những hành vi có dấu hiệu của khai thác khoáng sản trái phép đều được các cơ quan chức năng, Công an tỉnh, huyện, UBND các huyện phát hiện, kiểm tra, xử lý theo quy định.

Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về công tác triển khai Nghị định số 23 trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh thành khác, ông Nguyễn Xuân Toản, Phó Giám đốc Sở TN&MT Phú Thọ cho biết: Trước đây, trên cùng tuyến sông, có khó khăn về đường địa giới hành chính là vô hình trên sông. Nó căn cứ vào địa hình, địa vật, căn cứ vào hồ sơ, tọa độ, mới xác định được địa giới hành chính. Nếu lực lượng chức năng chỉ đứng, nhìn thì không rõ đường địa giới hành chính. Khi có dấu hiệu khai thác không đúng giấy phép trên sông nước, nếu khi lực lượng chức năng ở bên này kiểm tra bắt giữ thì người và phương tiện khai thác cũng chỉ mất một thời gian ngắn di chuyển về địa phương bên cạnh nên lực lượng chức năng không có cơ sở để truy đuổi, bắt giữ.

Để khắc phục các tồn tại đó, Phú Thọ đã đưa ra nhiều phải pháp như: Giữa tỉnh Phú Thọ với các tỉnh còn lại đã thống nhất rõ ràng về mặt địa giới hành chính; Phú Thọ đã chủ động xây dựng phương án phối hợp với các tỉnh có đường địa giới hành chính chung trên sông. Trong Quy chế này có khắc phục tất cả những điểm đó, kể cả vi phạm ở địa giới hành chính của tỉnh khác mà giáp ranh với tỉnh Phú Thọ, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ có quyền kiểm tra. Khi thấy có dấu hiệu vi phạm và xác định nếu như vi phạm thuộc địa giới hành chính tỉnh Phú Tho thì cơ quan chức năng sẽ xử lý, nếu thuộc địa giới hành chính tỉnh bên cạnh mà có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ sẽ bàn giao cho cơ quan chức năng của tỉnh giáp ranh để xử lý theo quy định.

Phú Thọ tập trung giải pháp quyết liệt quản lý khai thác cát sỏi. Ảnh: MH

Để khắc phục những tồn tại và khó khăn đó theo những quy định của Nghị định số 23, bên cạnh việc quán triệt đến các Sở, ngành, địa phương, Phú Thọ đã xây dựng và ký kết nhiều quy chế, phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh có đường biên giới hành chính chung với tỉnh Phú Thọ trên các dòng sông, bao gồm: Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao các đơn vị chuyên môn nhất là Sở TN&MT tham mưu và trực tiếp xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ khoáng sản trên địa bàn các huyện, thành, thị.

Triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh đã được UBND tỉnh Phú Thọ ký kết; đôn đốc các Sở, ngành, UBND huyện, thành, thị thực hiện tốt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được UBND tỉnh phê duyệt.

Hoạt động khai thác phải công khai, dễ giám sát

Một bất cập trước đây, trong quá trình quản lý, xử lý các vi phạm đối với các hành vi trái phép là chế tài xử lý vi phạm, các đối tượng lợi dụng trước đây chỉ có phương tiện khai thác trên 50m3 cát trở lên thì khi xử lý mới được tịch thu phương tiện. Việc tịch thu phương tiện có tính răn đe cao, đánh vào kinh tế của đối tượng khai thác trái phép. Các đối tượng “lách” việc đó, người ta khai thác 40m3, 45m3 đến 49m3 rồi chở đi. Nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ thì mức xử phạt hành chính cũng thấp, số tiền từ vài triệu đến vài chục triệu đồng chưa đủ tính răn đe… Những hạn chế đó sẽ được khắc phục bằng Nghị định số 36 và Nghị định số 23 mà Chính phủ mới ban hành.

Để triển khai tốt tinh thần Nghị định số 23 và các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát sỏi trong thời gian tới, đối với các đơn vị được cấp phép, Sở TN&MT Phú Thọ yêu cầu các đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông phải thực hiện đồng bộ một số quy định như: Cắm mốc giới, ranh giới mỏ công khai; Gắn biển đề tên trên các phương tiện được cấp phép khai thác; công bố, công khai tất cả thông tin giấy phép trên khu vực mỏ… để cho các cơ quan chức năng và người dân thuận lợi trong quá trình giám sát.

Bên cạnh đó, giải pháp được Sở TN&MT Phú Thọ quy định là tại các bến bãi, khu mỏ yêu cầu các doanh nghiệp phải có trạm cân, có camera giám sát. Các phương tiện vận chuyển trên sông phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc của khoáng sản. Ngoài ra trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải lắp đặt các thiết vị định vị trên phương tiện khai thác để giám sát hành trình… để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Đặc biệt, để hoạt động khai thác khoáng sản đi vào quy củ hơn nữa trong thời gian tới, Sở TN&MT Phú Thọ cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, Sở Công Thương và UBND các huyện, thành, thị xã để giám sát chặt các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. “Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của tỉnh Phú Thọ, của Sở TN&MT trên địa bàn tỉnh sẽ xử lý triệt để. Chắc chắn là đối với những quy định mới (Nghị định số 36, Nghị định số 23, Văn bản số 1673 của UBND tỉnh), các hoạt động khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh sẽ đi vào nề nếp, đặc biệt là cát sỏi lòng sông. Chắc chắn, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cũng như các địa phương khác sẽ khắc phục những tồn tại trước đây trong quản lý cát sỏi lòng sông…” - ông Nguyễn Xuân Toản nhấn mạnh.

Tổ chức thực hiện và đôn đốc các doanh nghiệp được cấp Giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông chấp hành nội dung Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật về khoáng sản; thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường các dự án khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản, của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác liên quan...

Việt Hùng