Tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống pháp luật tài nguyên và môi trường
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:03, 01/06/2020
Báo cáo tại cuộc hợp, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, triển khai thực hiện nhiệm vụ thông tin, phản ánh những vướng mắc của hệ thống pháp luật theo yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp chế đã hoàn thiện dự thảo báo cáo về những vướng mắc của hệ thống pháp luật tài nguyên và môi trường.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Trong đó, dựa vào phản ánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Công văn số 3051/UBPL14 ngày 11 tháng 3 năm 20 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và ý kiến của các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Pháp chế đã thu thập được hơn 600 văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường do Bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; gần 100 văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường do các bộ, ngành khác ban hành hoặc trình ban hành; hơn 50 Bộ luật, Luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Do số lượng văn bản cần rà soát rất lớn, trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Tổ công tác nhóm các quy định còn vướng mắc như sau:
Trong lĩnh vực đất đai gồm các nhóm vấn đề như: Đấu giá và đấu thầu đất; các quy định về quản lý tài sản công; chấm dứt và thu hồi dự án chậm triển khai; sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân người nước ngoài…
Lĩnh vực tài nguyên nước gồm các nhóm vấn đề như: Điều tra cơ bản tài nguyên nước; quy hoạch cơ bản tài nguyên nước; hành lang bảo vệ nguồn nước; hoạt động xả nước thải vào nguồn…
Lĩnh vực khoáng sản gồm các nhóm vấn đề như: quy định về vật liệu xây dựng; đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Riêng lĩnh vực môi trường gồm các nhóm vấn đề như: Các quy định về đánh giá tác động môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư; quy định về cấp phép xả thải nguồn nước giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước; quy định về ứng phó chất thải trong Luật Bảo vệ môi trường và Luật Hóa chất; quy định về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng…
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu |
Sau khi nghe báo cáo của Vụ Pháp chế và ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các đơn vị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa yêu cầu mỗi đơn vị phải tiến hành ra soát, lập báo cáo cụ thể về những quy định của pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển xã hội thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
Trong báo cáo, các đơn vị phải đưa ra các đề xuất, giải pháp sửa đổi những quy định pháp luật còn vướng mắc theo hướng sửa đổi chính các quy định pháp luật của đơn vị mình phụ trách.
"Sau khi nhận báo cáo của các đơn vị, Vụ Pháp chế có nhiệm vụ tổng hợp và hoàn thiện báo cáo báo cáo về những vướng mắc của hệ thống pháp luật tài nguyên và môi trường." - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chỉ đạo.