ĐBSCL: Xâm nhập mặn giảm nhưng vẫn ở mức cao vào đầu tháng 6

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:36, 01/06/2020

(TN&MT) - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy trên sông rạch tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn duy trì mức thấp đến đầu tháng 6/2020, xâm nhập mặn có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ 21/5 đến 29/5/2020, ĐBSCL có mưa xuất hiện đều, góp phần giải hạn ở một số địa phương. Mực nước ở sông, rạch ĐBSCL phụ thuộc vào nước đến từ thượng nguồn và chu kỳ triều; mặn vẫn còn xâm nhập tại các cửa sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn.

Đầu tháng 6/2020, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa

Trong đó, sông Vàm Cỏ Đông xâm nhập mặn 75km, sông Vàm Cỏ Tây 127km; tại sông Hậu, sông Cổ Chiên 31km, sông Cửa Tiểu 45km, Cửa Đại 49km, sông Hàm Luông 65km; vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn 47km… tiếp tục gây ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người trong vùng.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo, dòng chảy trên sông rạch tại ĐBSCL vẫn duy trì mức thấp đến đầu tháng 6/2020, mặn có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.

Tại vùng thượng nguồn ĐBSCL (phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ) nguồn nước vẫn ở mức thấp, tận dụng thời điểm bơm tát ở các vị trí xa kênh trục.

Vùng giữa ĐBSCL gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp, sông Cổ Chiên 25-35km, sông Hậu 25-35km, sông Vàm Cỏ 75-125km, sông Cái Lớn 40-50km. Các sông Hàm Luông, Cửa Đại và Cửa Tiểu tận dụng thời điểm lấy nước vào kỳ triều thấp.

Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) cần duy trì các biện pháp chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt. Chủ động tích nước vào các thời điểm xuất hiện ngọt khi triều thấp…

P.Lan