Công nhận đất ở trước năm 1980 ở Hà Tĩnh: Người dân "đủng đỉnh" thực hiện

Đất đai - Ngày đăng : 06:27, 01/06/2020

(TN&MT) - Đã thông báo, phổ biến rộng rãi quy định, quyền lợi đến từng hộ nhưng việc công nhận lại đất ở trước năm 1980 ở Hà Tĩnh lại đang gặp cản trở để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, ở các huyện miền núi, ngoài khó khăn xác định nguồn góc đối với những trường hợp còn vướng mắc cần thêm thời gian, phần lớn người dân tâm lý “đủng đỉnh” trong phối hợp.

Tiến độ chậm

Năm 2018, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang với 1.838 hộ dân đã triển khai Chủ trương công nhận lại đất ở sử dụng trước năm 1980, theo Quyết định 2443/QĐ-UBND, ngày 20/8/2018 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn, các cuộc họp thôn, xóm, tổ liên gia đã được lắng nghe cán bộ chuyên môn của huyện, xã trực tiếp tuyên truyền, người dân đã được tiếp cận chủ trương, đồng thời phát các tờ phiếu tiếp cận thông tin để đăng ký nhu cầu xin công nhận lại đất ở.

Được biết, qua ra soát, toàn xã Đức Hương có 110 hộ dân đăng ký xin được công nhận lại đất ở trước năm 1980. Vậy nhưng, sau gần hai năm, đến nay mới có 28 hộ nộp đơn, quá trình thực hiện tại địa bàn vẫn đang ở giai đoạn đăng ký nhu cầu, chưa xem xét giải quyết.

Chia sẽ với Phóng viên, ông Lê Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Đức Hương, huyện Vũ Quang cho biêt: “Mặc dù chính quyền đã trực tiếp, nhiều lần đôn thúc khẩn trương nộp đơn nhưng các hộ dân vẫn mang tư tưởng nửa vời, sợ nộp thuế, số còn lại xét thấy chưa có nhu cầu bức thiết. Tình trạng này gây không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện theo kế hoạch mà cấp trên giao cho”.

Người dân được hướng dẫn làm thủ tục kê khai

Tại xã Đức Bồng, ngày 4/3/2019, UBND xã đã gửi công văn xuống tám thôn xóm để triển khai kế hoạch và phát phiếu đăng ký nhu cầu công nhận đất ở trước năm 1980 cho nhân dân. Qua nhiều nội dung cuộc họp, văn bản triển khai nhưng đến nay chính quyền địa phương thông báo mới nhận được 22 trường hợp nộp đơn và đã được hoàn thiện các thủ tục , chuẩn bị tiến hành xét nguồn góc.

Ông Trần Thể- Cán bộ địa chính xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cho biết: “Những hộ đăng ký xin công nhận đất ở chủ yếu là để tách thửa, chuyển nhượng, tặng cho con và những thửa đất nằm trên trục đường giao thông thuận tiện. Mặt khác, có 39 hộ cũng đã được công nhận trong đợt cấp giấy đồng loạt vào năm 2013-2014, số còn lại người dân không đăng ký”.

Những vấn đề trên cũng là tình trạng chung của các xã còn lại như Đức Lĩnh, Đức Giang, Ân Phú, Hương Minh, Quang Thọ, Thọ Điền của huyện Vũ Quang. Qua phản ánh, phần lớn những trường hợp đăng ký xin công nhận đất ở trước năm 1980 trên địa bàn có nguồn góc rõ ràng, tuy nhiên, nhiều trường hợp do chậm kê khai đã gây ảnh hưởng trong việc thực hiện đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ.

Người dân “đủng đỉnh” thực hiện chủ trương 

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, quyền Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chậm tiến độ trong việc công nhận lại đất ở trước năm 1980, nhưng khó nhất ở trên địa bàn huyện vẫn là sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các địa phương, trong khi đó công tác phối hợp từ người dân trong việc đăng ký, kê khai để xét duyệt có phần “đủng đỉnh”, chưa kịp thời để hoàn thiện hồ sơ nên rất khó để đẩy nhanh tiến độ.

Báo cáo của Phòng TN&MT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho thấy, thực hiện ý kiến chỉ đạo theo Quyết định 2443/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Vũ Quang đã ban hành công văn số 604/UBND, ngày 27/8/2018 về triển khai quyết liệt các nội dung để thực hiện đến từng thôn xóm. Theo đó, qua ra soát, trên địa bàn toàn huyện có 2.222 hộ có nhu cầu xin được công nhận lại đất ở trước năm 1980.

Việc kê khai, công nhận lại đất ở trước năm 1980 sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay tại địa bàn huyện Vũ Quang vẫn đang ở giai đoạn đăng ký nhu cầu của người dân, chưa xem xét giải quyết trường hợp nào nên tạm thời chưa gặp khó khăn, vướng mắc.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa- Quyền Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết thêm: Sau khi tổ chức cho Phòng TNMT phối hợp các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai công nhận lại đất ở, hiện tại đã có 226 hồ sơ nộp tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vũ Quang. Các địa phương cũng đang hoàn tất các thủ tục để đề nghị UBND huyện quyết định công nhận lại đất ở. Bên cạnh đó, huyện Vũ Quang tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền người dân có đất sử dụng trước ngày 18/12/1980 đến đăng ký để đảm bảo quyền lợi chính đáng.

Cũng tương tự huyện Vũ Quang, nhiều huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đang gặp phải tình huống tương tự trong triển khai Chủ trương công nhận lại đât sở trước năm 1980. Có thể kể đến như huyện Đức Thọ, theo số liệu nhu cầu ra soát là 18.184 nhưng đến nay chưa có số liệu hồ sơ đã kê khai đăng ký; huyện Can Lộc có 6837 trường hợp theo nhu cầu rà soát nhưng đến nay chưa có số liệu kê khai đăng ký…

Việc triển khai chậm tiến độ công nhận đất ở trước năm 1980 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những hộ dân đang thực sự có nhu cầu. Một số hộ đã có đơn đề nghị và hoàn tất hồ sơ hơn một năm nhưng địa phương vẫn chưa tổ chức xét nguồn góc đất, do phải chờ những hộ dân khác để thực hiện theo đợt.

Trong báo cáo Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ngành TN&MT Hà Tĩnh cũng đã nêu, việc công nhận lại đất ở trước năm 1980 không chỉ là trăn trở của những người trong cuộc mà còn nhận được quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua, tuy nhiên tiến độ đạt được rất chậm có yếu tố khách quan và chủ quan. Bên cạnh đó, tại Hội nghị,  lãnh đạo Sở nêu rõ việc công nhận lại đất ở trước năm 1980 là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong thời gian tới, đề nghị các địa phương cần phải tích cực, tập trung giải quyết.

 Việc công nhận đất ở sử dụng trước ngày 18/12/1980, công nhận lại đất ở sử dụng trước ngày 18/12/1980 đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng đất trong quyền hưởng các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, tách thửa chuyển quyền sử dụng đất mà không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai tiến độ đạt được rất chậm.

Đức Cảnh