Sơn La: Rà soát, khoanh vùng khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:23, 31/05/2020

(TN&MT) - Từ đầu năm tới nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tiếp xảy ra mưa đá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của người dân. Để chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp và khó lường của thời tiết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai các phương án phù hợp với tình hình địa bàn, đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa lũ.

Hai bên bờ suối Nậm Păm đang được gia cố bằng rọ đá thép

Triển khai các công trình phòng chống lũ

Huyện Mường La là một trong những địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề năm 2017. Năm 2018-2019, các trận lũ xảy ra sau đó, tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho khu vực thị trấn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở mùa mưa lũ rất cao. Do đó, UBND huyện đã đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình kè phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất suối Nặm Păm vào danh mục công trình, dự án để đề xuất chủ trương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhằm chống sạt lở khu đô thị thị trấn; điều tiết lũ để không ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống dọc 2 bên bờ suối.

Ông Phạm Đức Huynh, Chủ tịch UBND thị trấn Ít Ong, huyện Mường La cho biết: Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, thị trấn Ít Ong đã rà soát lại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, thống kê các hộ dân bị ảnh hưởng để bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Qua nhiều lần kiến nghị, mới đây, UBND huyện đã có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng công trình kè phòng chống lũ, lũ quét và sạt lở đất suối Nặm Păm. Hiện nay, thị trấn đang thực hiện bước thứ nhất là tư vấn khảo sát, họp bà con nhân dân để kiểm đếm những khu vực khi dự án triển khai bị ảnh hưởng, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân để chủ động phương án giải phóng, đền bù mặt bằng khi Dự án triển khai.

Để phòng chống mưa lũ, trước mắt, huyện Mường La đã thực hiện thanh thải, nắn dòng chảy ra xa khu vực dân cư và kè rọ thép chống sạt lở

Được biết, trong giai đoạn 2017-2019, mưa lũ đã làm Mường La thiệt hại hơn 700 tỷ đồng. Do đó, trước mùa mưa lũ năm nay, huyện Mường La đã tập trung kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng cơ sở về thủy lợi, thủy điện, các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc… để có giải pháp tu sửa trước mùa mưa lũ. Rà soát các điểm dân cư, nhất là các khu vực thường xảy ra sạt lở đất, ngập úng, đảm bảo di chuyển đến nơi an toàn.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 22 nhà máy thủy điện, trong đó, có 19 nhà máy thủy điện nhỏ. Đặc điểm chung của các nhà máy thủy điện nhỏ là hệ thống thủy điện bậc thang. Dung tích hồ chứa của các nhà máy thủy điện không lớn. Nhà máy dưới lấy nước xả từ nhà máy trên xuống. Để phòng tránh có thể xảy ra vỡ đập liên hoàn với hệ thống thủy điện bậc thang khi có lũ ống, lũ quét xảy ra, UBND huyện cũng đã xây dựng Kế hoạch Ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa các công trình thủy điện trên địa bàn huyện, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan thành viên.

Còn tại Mai Sơn, để chủ động ứng phó thiên tai, từ năm 2019 tới nay, huyện đã triển khai phương án di chuyển 46 hộ có nguy cơ cao đến nơi an toàn theo hình thức xen ghép nội bản. Đồng thời, thi công hoàn thành 7 công trình thủy lợi, đầu tư xây dựng mới 5 công trình thủy lợi; cải tạo nâng cấp 1 hệ thống thoát nước; xây dựng Hệ thống thoát lũ, xử lý ngập ứng khu vực thị trấn Hát Lót và khu vực xã Chiềng Mung…

Cùng với đó, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập lụt… Giao nhiệm vụ cho các các cấp, các ngành, các đơn vị tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương tiện, vật tư, vật liệu, thiết bị sẵn sàng đối phó khi thiên tai xảy ra, nhất là trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ từ 10/6 đến 5/9. Tiếp tục rà soát, di chuyển người dân ra khỏi các điểm có nguy cơ sạt lở cao, nơi ven sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở ngập lụt…

Từ đầu năm tới nay, tỉnh Sơn La gặp nhiều thiệt hại do mưa đá

Đảm bảo đủ người và phương tiện ứng phó thiên tai

Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, năm 2019, thiên tai trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 4 người chết, 2 người bị thương; 31 nhà sập đổ, cuốn trôi; gần 1.700 nhà bị sạt lở, tốc mái, hư hại; 192 nhà phải di dời khẩn cấp; 524 nhà bị ngập nước… Uớc thiệt hại trên 462 tỷ đồng.

5 tháng đầu năm 2020, tại nhiều địa phương diễn ra mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình như trận mưa đá từ ngày 22-23/4 đã làm 1 người chết, 5 người bị thương, 937 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; cùng nhiều tài sản, hoa màu của người dân. Mưa giông, gió mạnh còn làm nhiều cột điện trung thế, hạ thế bị gãy đổ, nhiều cột bị nghiêng, nứt, hơn 1.000m dây trung thế bị đứt, gây sự cố cho 16.000 khách hàng bị mất điện.

Lực lượng chức năng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai

Ông Cao Viết Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Sơn La cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, xã đã tiến hành kiểm tra thực tế tại địa bàn. Kịp thời hỗ trợ động viên gia đình có người bị chết, bị thương; gia đình có nhà bị hư hỏng nặng. Với các hộ dân bị thiệt hại nặng, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách để hỗ trợ theo quy định. Cùng với đó, tập trung huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục nhà ở bị ảnh hưởng, sang sửa các nhà bị tốc mái, thủng mái, thu dọn rau màu, cây cối bị dập nát, gãy rụng, giúp nhân dân ổn định đời sống và sản xuất.

Để chủ động ứng phó thiên tai, ngay từ đầu năm 2020, tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai; xây dựng Phương án ứng phó phù hợp với các cấp độ thiên tai, đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Trong đó, tiếp tục tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp kịp thời, sâu sát.

 

Tỉnh cũng đã triển khai phân vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Theo đó, lũ quét có khả năng xảy ra tại các lưu vực xã Chiềng Cọ, lưu vực Suối Nậm La, các cầu treo qua suối Nậm La thuộc địa bàn xã Hua La, Chiềng Cơi… (TP Sơn La); dọc lưu vực suối Muội, Suối Dòn, lũ quét cục bộ trên những lưu vực nhỏ thuộc các xã Bon Phặng, Nậm Lầu, Cọ Mạ, Bản Lầm, Mường Khiêng… (Thuận Châu)... Sạt lở đất, đá lăn tại các tuyến đường giao thông xung yếu như quốc lộ 279D (Mường La), quốc lộ 37, đường tỉnh 112 (Bắc Yên - Làng Chếu), quốc lộ 4G, Tỉnh lộ 105 (Sông Mã - Púng Bánh), Tỉnh lộ 115 (Nà Nghịu - Mường Lầm). Nguy cơ ngập lụt khu vực các xã Lóng Luông, Vân Hồ (dọc trục đường quốc lộ 6); các vùng trũng thị trấn Mộc Châu, nông trường Mộc Châu…

Xây dựng kế hoạch đảm bảo huy động 10.000 người tham gia PCTT&TKCN năm 2020 trên toàn tỉnh. Về phương tiện, vật tư, dự kiến huy động 90 xe tải các loại, 17 xe cứu thương, 850 xe mô tô, 110 xe chuyên dùng các loại, 50 xuồng, thuyền máy; 128 máy bơm nước, 525 máy phát điện. Chuẩn bị trên 8.400 phao tròn, gần 7.000 áo phao, 627 nhà bạt các loại; 200.000 viên và 560kg thuốc Cloramin tiêu khuẩn vệ sinh môi trường; 160 hộp hóa chất xử lý nước Fur…

Nguyễn Nga