Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông
Xã hội - Ngày đăng : 09:52, 30/05/2020
Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Ảnh minh họa |
Dự án Phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 có mục tiêu: tăng cường chất lượng giáo dục THPT tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục THPT của các nước tiên tiến; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục THPT cho các nhóm thiệt thòi; tăng cường năng lực lập kế hoạch và quản lí giáo dục THPT.
Theo đó, dự án có 5 hạng mục chính là: xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị và đồ gỗ; sách và tài liệu hướng dẫn; phát triển đội ngũ; nghiên cứu, khảo sát, thí điểm.
Được khởi động từ năm 2013, sau gần 7 năm thực hiện, các hoạt động của dự án cơ bản đã hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức. Đơn cử, với hạng mục xây dựng cơ bản, tại 33 tỉnh khó khăn, dự án đã xây dựng được 1.068 phòng học tại 133 trường học (đạt 101,7%) và 6 trung tâm phát triển kĩ năng sư phạm thuộc 6 khoa/trường đại học sư phạm.
Ở hạng mục sách và tài liệu hướng dẫn, dự án đã hoàn thiện biên soạn tài liệu hướng dẫn tự học của 10 môn học cho học sinh; bộ tài liệu hướng dẫn cho giáo viên giáo dục thường xuyên khối 10, 11, 12. Công cụ giao tiếp và học tập cho học sinh khiếm thính đang được dự án tiến hành biên soạn.
Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, dự án đã tập huấn trong nước được cho 82.795 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt 178%. Nhóm đào tạo trong nước vẫn tiếp tục được triển khai.
Trong đào tạo nước ngoài, dự án đã đào tạo ngắn hạn cho 73 chuyên gia cốt cán về biên soạn chương trình, sách giáo khoa. 15 giảng viên , cán bộ chuyên môn trường đại học Sư phạm được đào tạo ngắn hạn về xây dựng Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm. 15 cán bộ quản lý nòng cốt được đào tạo ngắn hạn về năng lực tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục ở trường THPT.
Theo Bộ GDĐT, dự án đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường chất lượng giáo dục THPT, tiếp cận chuẩn chất lượng giáo dục THPT của các nước tiên tiến.
Kết quả dự án cũng góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng khó khăn với các vùng thuận lợi. Đặc biệt, với 82.795 cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đã được bồi dưỡng chuyên môn về nâng cao năng lực lập thế hoạch và quản lý giáo dục, là nguồn “tài nguyên” đáng quý để tới đây triển khai chương trình GDPT mới.