Nông dân Bỉ khốn đốn vì hạn hán trong thời dịch COVID-19

Thế giới - Ngày đăng : 09:51, 30/05/2020

(TN&MT) - Khi lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và các nhà hàng bị đóng cửa làm hạn chế nhu cầu đối với một số sản phẩm của họ, nông dân Bỉ đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng khác - hạn hán.

Một mầm ngô mọc lên giữa vùng đất khô cằn trong cánh đồng của Joel Van Coppenolle – một nông dân Bỉ tại Diksmuide khi Bỉ đang trải qua thời kỳ khô hạn nhất từ tháng 4-5. Ảnh: Reuters

Bỉ đang phải đối mặt với tháng 5 khô hạn nhất kể từ thế kỷ 19, làm cản trở sự phát triển của cây trồng và cắt giảm sản lượng ở tỉnh nông nghiệp West Flanders.

Thống đốc tỉnh West Flanders, Carl Decaluwe đầu tuần này đã cấm bơm nước từ các dòng chảy ngoài sông Yser, sau khi mực nước giảm xuống dưới 2,9 mét.

“Chúng tôi đã phải làm điều đó, nếu không sẽ không thể khắc phục các thiệt hại do hạn hán gây ra”, ông Decaluwe nói và nhấn mạnh hạn hán kéo dài có thể khiến khu vực này thiệt hại hàng chục triệu euro.

“Chưa bao giờ mực nước xuống thấp như vậy trong 30 năm qua và chúng tôi đang trải qua những tuần khô hạn nhất trong 120 năm”, ông Decaluwe khẳng định.

Đối với nông dân, những người thường bơm nước sông vào ruộng của họ, lệnh cấm trên đã khiến họ phải chờ mưa.

“Thông thường tôi thu hoạch được 50 đến 60 tấn ngô trên một mẫu đất. Nhưng bây giờ chỉ cần một nửa số đó cũng đủ khiến những người nông dân như tôi hạnh phúc - với điều kiện trời phải bắt đầu mưa trở lại”, ông Joel Van Coppenolle, một nông dân ở thị trấn Kaaskerke cho biết. Ông chia sẻ khi đang đứng trên cánh đồng, nơi những cây ngô của ông chỉ bằng một nửa kích thước thông thường của chúng và đất bị nứt và bụi bặm.

Liên minh châu Âu đã cắt giảm dự báo năng suất cho hầu hết các loại cây trồng trong tháng 5, khi phía Tây và Trung châu Âu phải đối mặt với tháng thứ hai có nhiệt độ trên mức trung bình và lượng mưa thấp.

Các khu vực của Bỉ đã phải đối mặt với hạn hán trong 4 năm liên tiếp. Các nhà khoa học cho biết biến khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình hình hạn hán bằng cách phá vỡ dòng không khí của Bắc Bán cầu.

Mai Đan