ĐBSCL: Triển khai các giải pháp ứng phó sạt lở

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 21:42, 29/05/2020

(TN&MT) - Trong thời gian qua tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển liên tiếp xảy tại các một số tỉnh, thành tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhằm hạn chế sạt lở, các địa phương tại khu vực này đang khẩn trương triển khai các giải pháp để ứng phó với tình trạng này.

Sạt lở bờ sông, kênh rạch đang gây nhiều thiệt hại cho người dân các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng 

Thống kê từ ngành chức năng TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 17 vụ sạt lở bờ sông, kênh rạch ở các quận như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng,…Mới đây vào ngày 13/5/2020, tại khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy đã xảy ra một vụ sạt lở bờ với chiều dài 10m khiến cho 2 căn nhà của người dân bị sụp xuống sông Bình Thủy. Không chỉ thế từ đoạn sạt sạt lở này đang khiến cho gần 400m bờ sông Bình Thủy có nguy cơ sạt lở. 

Trong chuyến khảo sát điểm sạt lở này mới đây, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đánh giá: “Đây là khu vực sạt lở nguy hiểm khẩn cấp của thành phố và trong thời gian tới có khả năng sạt lở còn phức tạp hơn, ảnh hưởng đến giao thông cho tuyến đường Bùi Hữu Nghĩa cũng như đời sống của nhiều hộ dân”.

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, nguyên nhân gây ra các vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch ở các điểm xung yếu trên địa bàn quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ nói chung, vị trí sạt lở ngày 13/5/2020 tại khu vực Bình Yên A nói riêng tương đối giống nhau như do dòng chảy, nền địa chất yếu và các hoạt động chất tải lên bờ sông.

Tại tỉnh Sóc Trăng, tình trạng sạt lở đất bờ sông, xói lở bờ biển trong thời gian qua tại tỉnh Sóc Trăng cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng làm hư hỏng hàng chục tuyến đường giao thông nông thôn và nhiều căn nhà của người dân ở các huyện: Kế Sách, Long Phú, Trần Đề. 

Thông tin với phóng viên, ông Phạm Tấn Đạo, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nàn tỉnh Sóc Trăng nói: “Từ năm 2019 đến nay sạt lở bờ sông, bờ kênh liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó tình trạng xói lở đê biển ở TX. Vĩnh Châu và huyện Cù Lao Dung cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng, đặt biệt là khoảng 130 đê biển ở TX. Vĩnh Châu đang bị xói lở do triều cường, sóng biển đánh vào”.
Tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng trong khoảng 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng của lũ, triều cường đại phương địa phương này thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch. Thông tin với phóng viên, ông Lê Vũ Đức, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết: “Từ năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện có gần 90 đoạn bờ sông, bờ kênh bị sạt lở với tổng chiều dài trên 2,2km. Các vụ sạt lở đã làm hơn 2.000m2 đất bị trôi xuống sông, nhiều căn nhà của người dân bị hư hại…”.

Đối với tỉnh Hậu Giang, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi- Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang thông tin, từ đầu năm 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 7 điểm sạt lở bờ sông làm mất hơn 560m2 đất bờ sông và nhiều diện tích cây cối, hoa màu của người dân. 

Theo ông Trần Thanh Toàn, trước tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài trong thời gian qua kết hợp với mưa lớn vào đầu mùa mưa sắp tới, dòng chảy đang tăng nhanh, từ nay đến cuối năm 2020 sạt lở bờ sông, kênh rạch rất dễ xảy ra tại các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và TP. Ngã Bảy, đặc biệt là vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020.

Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng sạt lở. 

Nhiều giải pháp được triển khai 

Ông Phạm Tấn Đạo cho biết hiện nay tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai 02 giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó với tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Tại khu vực sạt lở bờ sông gần với trụ sở cơ quan nhà nước và có đông dân cư sinh sống thì triển khai xây dựng bờ kè kiên cố để giữ đất, còn những khu vực khác sẽ áp dụng giải pháp gia cố bờ bao, kè mềm hạn chế sạt lở. 

Cũng theo ông Phạm Tấn Đạo: “Hiện nay tại tuyến đê biển của huyện Cù Lao Dung tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành gia cố đê kết hợp trồng thêm bần chắn sóng, còn đối với những khu vực xung yếu của tuyến đê biển ở TX. Vĩnh Châu đang bị xói lở không thể trồng cây được thì tỉnh triển khai biện pháp kè mái, kè ngầm, vừa để bảo vệ chân đê, vừa gây bồi tạo bãi trồng cây”. 

Trước diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là vào mùa mưa sắp tới, hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang thường xuyên kiểm tra, theo dõi các điểm xung yếu về sạt lở để cắm biển cảnh báo, hạn chế người và phương tiện qua lại; đồng thời khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo vệ tài sản, tính mạng. 

Cùng với đó tỉnh Hậu Giang cũng đang tập trung nhân rộng mô hình trồng cây cặp các tuyến sông, rạch chống sạt lở. Theo ông Trần Thanh Toàn, mô hình trồng cây đang được triển khai ở một số huyện, thị trên đại bàn tỉnh không chỉ giúp chống sạt lở gây hư hại nhà cửa, các trục đường giao thông mà còn giảm được kinh phí để xử lý các điểm đã sạt lở.

Còn tại TP. Cần Thơ, trong buổi khảo sát điểm sạt lở ở khu vực Bình Yên A, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy ngày 27/5/2020, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã yêu cầu UBND quận Bình Thủy cũng như UBND các phường trên địa bàn quận này phải thường xuyên nhắc nhở để người dân ý thức được nguy cơ sạt lở, nhất là những ngôi nhà còn người sinh sống trong khu vực sạt lở, nhằm tránh thiệt hại do sạt lở gây ra.

Cũng tại buổi khảo sát này, PGS. TS Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng: “Trong thời gian tới TP. Cần Thơ cần di dời các hộ dân lân cận khu vực sạt lở để đề phòng sạt lở lan rộng. Đối với những ngôi nhà, công trình có tải trọng lớn, có nguy cơ sụp đổ cần tháo dỡ, di dời để giảm tải cho bờ sông, còn đoạn bờ sông đã bị nứt cần áp dụng các biện pháp để giảm áp lực gây trượt, giúp mái bờ ổn định hơn”.
 

Ng.Thanh