Thừa Thiên Huế nói gì về việc trồng tre ở danh thắng hồ Tịnh Tâm?

Môi trường - Ngày đăng : 13:36, 29/05/2020

(TN&MT) - Việc trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh) ở khu vực hồ Tịnh Tâm (TP. Huế) đã khiến dư luận xôn xao, nhiều người đóng góp ý kiến. Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho biết đây là giải pháp tạm thời và cầu thị với những hiến kế...

Thời gian gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai công tác cải tạo, chỉnh trang lại di tích hồ Tịnh Tâm để có thể đưa vào phục vụ người dân và du khách tại kỳ Festival Huế 2020 diễn ra vào gần cuối tháng 8 này.

Một trong các công việc tại đây là triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời làm kè tre để giữ đất, chống sạt lở do danh thắng này.

Tre đang được trồng tại hồ Tịnh Tâm

Tuy nhiên những ngày qua trên mạng xã hội có một số ý kiến góp ý cho rằng, giải pháp trồng tre là không phù hợp với một danh thắng của đất Kinh thành Huế như hồ Tịnh Tâm.

Ngoài ra, có khá nhiều ý kiến của người dân trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp về việc nên trồng tre hay cây khác phù hợp hơn ở dọc hai bên đường Lê Văn Hưu được gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh. Cũng có một số ý kiến nhận định loại tre đang được trồng là tre cán giáo nên hợp lý...

Liên quan đến sự việc, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, thực trạng xuống cấp của hồ Tịnh Tâm nhiều năm qua là “nỗi đau” của tất cả những người yêu Huế. Chỉnh trang, khôi phục hồ nói riêng cũng như các hồ trong Kinh thành nói chung là mong muốn của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, việc làm này cần có những nghiên cứu thấu đáo để đưa ra giải pháp khoa học, hợp lý.

“Chủ trương của tỉnh là việc phục hồi và tu bổ phải tôn trọng tối đa tính nguyên gốc của các yếu tố cấu thành di tích, hạn chế sử dụng các biện pháp can thiệp vào yếu tố gốc làm thay đổi các giá trị của di tích. Trước mắt, đối với hồ Tịnh Tâm, tỉnh đang tập trung vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải và rác, chỉnh trang sơ bộ quanh hồ để giảm sự nhếch nhác. Việc trồng tre là giải pháp tạm thời để gắn chỉnh trang sơ bộ với phục vụ lễ hội Áo dài và các hoạt động Festival 2020 sắp tới...”, ông Định nói.

Kè tre cũng được dựng nên để chống sạt lở cho hồ

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, việc đóng góp, hiến kế làm thế nào để khôi phục, chỉnh trang và khai thác hồ Tịnh Tâm một cách tốt nhất của người dân, du khách, chuyên gia... là rất “quý báu”, tất cả các ý kiến sẽ được lãnh đạo tỉnh xem xét trên tinh thần cầu thị để có chỉ đạo, giải pháp phù hợp...

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cũng đã kiểm tra công tác chỉnh trang hồ Tịnh Tâm.

Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai các giải pháp nhằm chỉnh trang khu vực Hồ Tịnh Tâm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường, lấn chiếm hồ. Đề nghị UBND TP. Huế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân không xả rác thải xuống hồ, bảo vệ môi trường khu dân cư; kết hợp ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” để làm vệ sinh môi trường xung quanh hồ. Có kế hoạch xử lý hệ thống nước thải, cải thiện môi trường nước hồ Tịnh Tâm.

“Hồ Tịnh Tâm là một danh thắng nổi tiếng của đất Kinh thành, việc bảo tồn và phát huy giá trị là việc làm cần thiết để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân. Việc làm trước mắt và cần làm ngay là phải tập trung xử lý nước thải và cải tạo môi trường; khi người dân có ý thức bảo vệ di sản thì việc phục hồi và tôn tạo mới có ý nghĩa...”, ông Thọ nhấn mạnh.

Việc trồng tre là giải pháp tạm thời, nhằm phục vụ cho các hoạt động tại Festival Huế sắp tới

Hồ Tịnh Tâm (thuộc phường Thuận Thành, TP. Huế) là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh thành xứ Huế, là nơi dành cho vua chúa dạo chơi ngắm cảnh thời xưa và được du khách thập phương chọn làm điểm đến hấp dẫn mỗi khi đến đất Cố đô.

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m. Trên hồ có ba hòn đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, đều là những trung tâm điểm của các kiến trúc trong hồ.

Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Triều Nguyễn huy động 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra việc chỉnh trang hồ Tịnh Tâm

Hồ Tịnh Tâm xưa nước trong veo, có hương sen thơm ngát, cá tôm trù phú. Nhưng từ nhiều năm nay phải đối mặt với ô nhiễm nặng khi nhiều người sống quanh khu vực hồ vô tư vứt rác bừa bãi, đổ đất đá, vật liệu xây dựng ra bờ hồ.

Trước đây trong những lần “mục sở thị” hồ này, PV tận mắt chứng kiến hồ ô nhiễm khi nhiều cổng thải xả nước đen ngòm ra hồ, bốc mùi; ngoài rác, nước thải kết tụ lại thành từng vũng lớn thì người dân còn tận dụng tối đa diện tích mặt nước để trồng rau muống, cắm cọc tre xiêu vẹo... Đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc bèo lục bình và cỏ dại bao kín cả mặt hồ gây nên hình ảnh nhếch nhác, kém mĩ quan. Việc chỉnh trang, cải tạo hồ như hiện tại là điều cần thiết...

Văn Dinh