Sông có đáy nhưng lòng tham vô đáy!

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:31, 28/05/2020

(TN&MT) - Những dòng sông trót "giàu có" mang trong mình nhiều khoáng vật khó thoát khỏi cảnh bị giày xéo, tan hoang bởi cát tặc. 

Lòng sông còn có đáy, nhưng lòng tham của con người thì không đáy. Cát nhiều thật đấy nhưng không phải là vô hạn. Nhất là trong những năm gần đây, khi các dòng sông càng ngày càng bị chặn lại nhiều tầng nấc từ thượng lưu để làm thủy điện, tất yếu nguồn tài nguyên quý giá này sẽ cạn kiệt rất nhanh.

Rõ ràng, câu chuyện không “nhỏ như hạt cát” mà nhiều người vẫn lầm tưởng. Thậm chí, nó còn lớn đến mức đích thân Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị, Phó Thủ tướng thường trực trực tiếp yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt vào cuộc, không được để người dân đơn thương độc mã trong cuộc đấu tranh với vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép.

Bản chất của khai thác cát, sỏi trái phép là ăn cắp tài nguyên, gây xói lở, biến đổi các dòng chảy sông suối, gây sụt lún. Cát tặc đã vơ vét đục khoét moi móc “cấu xé” sông, rồi chất đống dọc đôi bờ. Dẫu biết có cầu thời phải có cung. Nhu cầu cát sỏi cho phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng phải được quy hoạch trên cơ sở tính đến nhu cầu sử dụng chung của cả nước, địa phương và đánh giá tác động môi trường, quản lý và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép như hiện nay.

Ảnh minh họa

Giữa “ma trận” chống cát tặc, người dân vẫn cô đơn trên chiến tuyến. Họ chỉ biết bảo vệ nơi sinh sống bằng hành động ném đá đẩy đuổi. Còn các nhà chức trách của một số địa phương - những người được nhân dân đặt niềm tin, được Nhà nước trao quyền quản lý lại vẫn bình thản một cách đáng sợ! Để rồi nhiều nơi sụt lở đến tận chân đê, phá hủy cả bờ xôi ruộng mật của người nông dân cần cù lao lướt. Sự “vô cảm” đó khiến mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chi đến nhiều tỷ đồng để tu bổ nâng cấp.

Ai cũng biết, truy quét cát tặc là nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là với những địa bàn giáp ranh. Nhưng nói không thể xử lý được là điều khó chấp nhận. Bởi, dẫu có là địa bàn không chịu sự quản lý trực tiếp của mình cũng vẫn là lãnh thổ Việt Nam. Nếu điều tra, truy quét tội phạm ma túy hay tội hình sự mà cứ nói khơi khơi rằng, việc ai nấy làm thì làm sao bắt được tội phạm.

 “Thuốc” không mạnh thì khó có thể khỏi bệnh, thậm chí, còn dẫn đến kháng thuốc, nhờn thuốc. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm, thậm chí, người ta có quyền suy nghĩ rằng, cán bộ địa phương có biểu hiện bao che, tiếp tay cho cát tặc lộng hành!

Bao giờ những kẻ chỉ biết có lợi nhuận bất chấp tất cả thôi không ngang nhiên tàn phá tài nguyên đất nước chúng ta? Bao giờ, dù ở cương vị nào, mọi người đều cảm nhận được thiên nhiên cũng có quyền thiêng liêng là được tồn tại, được bảo vệ, bất khả xâm phạm.

 Và bất kỳ kẻ nào xâm hại đều là tội phạm cần phải đem ra xét xử nghiêm khắc?

 

Phương Anh