Thông xe cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định
Kinh tế - Ngày đăng : 19:23, 27/05/2020
Dự án được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước của Chính phủ Việt Nam, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) được thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương. Dự án được khởi công từ tháng 1/2018.
Cận cảnh cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ thuộc địa bàn tỉnh Nam Định. Ảnh: ĐQ |
Với tổng mức đầu tư 1.158.102 triệu đồng, dự án kết nối Quốc lộ 21 với Tỉnh lộ 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các khu công nghiệp trong vùng; hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực theo quy hoạch phát triển giao thông quốc gia.
Sau 27 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ. Việc đưa công trình vào khai thác sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định; tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư.
Dự án cũng góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 21, nâng cao hiệu quả khai thác cho các phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch, tăng sức hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Việc hoàn thành cầu Thịnh Long còn mang ý nghĩa to lớn để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện trong lĩnh vực giao thông vận tải và hình hữu nghị sâu sắc giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Để công trình cầu Thịnh Long đưa vào khai thác hiệu quả, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường thủy và vệ sinh môi trường.