Hà Tĩnh: Người dân sống thấp thỏm bên bờ sông sạt lở

Xã hội - Ngày đăng : 15:37, 27/05/2020

(TN&MT) - Tuyến kè chống sạt lỡ bờ sông khoảng 1,5 km được người dân xã Sơn Long, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đây không chỉ nỗi lo của riêng người dân mà còn là trăn trở của cấp ủy chính quyền địa phương và các ngành liên quan, nhất là trước mỗi mùa mưa bão.

Ám ảnh mùa mưa

Tại khu vực thôn 1, xã Sơn Long huyện Hương Sơn, có những ngôi nhà từng cách bờ sông Ngàn Phố gần 50 mét nhưng giờ đây sông đã vào sát móng. Sau những trận mưa lũ, hàng trăm khối đất cát đã bị dòng sông nuốt chửng, nhiều đoạn dọc bờ sông đã bị nứt kéo dài tạo ra những khúc lồi lõm ăn sâu vào sát nhà dân, vườn tược, hoa màu.

Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng sông "nuốt" đất, đe dọa cuộc sống nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp

Người dân hết sức lo lắng bởi ngôi nhà của mình sẽ bị cuốn trôi lúc nào, dù họ đã phải tự gia cố bằng cách đổ thêm đất sau mỗi trận mưa lũ đi qua. Anh Đoàn Thanh Long - Thôn 1, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn tâm sự: “Nhà được xây dựng đã hơn mười năm nay, khi làm bờ sông đang cách 40m nhưng nay đã lấn sát vào tận móng. Nằm trong khu vực còn có ba hộ dân khác cũng hoàn cảnh tương tự nhưng họ đã được hỗ trợ di dời, giờ còn lại gia đình tôi”

Mục sở thị ở hiện trường, chứng kiến nhà chỉ cách mép sông Ngàn Sâu chừng vài bước chân nhưng người dân vẫn bất chấp tính mạng. Được biết, người dân cũng như chính quyền sở tại đã nhiều lần có kiến nghị đưa vào dự án cấp bách, cần sớm triển khai để bảo vệ dân làng nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Tình trang sạt lỡ bờ sông đang ngày càng xẩy ra nghiêm trọng, chính vì thế mà tại thôn 1, 2 và thôn 3 thuộc xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh nơi nhiều năm qua người dân thường ví von là sống với “hà bá”. Riêng thôn 1 nằm nép trên bờ, vị trí hợp lưu của hai con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, tình trạng sạt lỡ bủa vây cả ngôi làng khiến cuộc sống người dân bất an.

Bác P. V. T là một Đảng viên lâu năm ở xã Sơn Long, hơn 70 năm sống ở ngôi làng, chứng kiến bao biến động qua mỗi mùa mưa lũ, lo lắng trước nguy cơ mất đất, mất làng do sạt lở: “Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến cho thời tiết ngày càng khó lường hơn. Cả ngôi làng kéo dài dọc bờ sông chừng 1,5 km nhưng chỉ hai năm trở lại đây đã xâm lấn sâu vào thôn làng hơn 40m, tiến sát dần vào khu dân cư”.

Tình trạng sạt lở bờ sông đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng

“Nguy cơ ngôi làng bị xóa sổ đã nhìn thấy trước mắt nếu như Nhà nước không có giải pháp ngăn tình trạng sạt lở như hiện nay. Đáng nói, giờ chỉ còn khoảng 1,5 km bờ sông ở thôn 1, xã Sơn Long tập trung đông dân cư nhưng lại chưa được kè chống sạt lỡ, còn ở hai đầu (phía trên, phía dưới khu vực này) đã được kè an toàn”, ông Thức nói.

Theo khảo sát của UBND xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, trên địa bàn xã có gần 5km chiều dài chạy dọc bờ sông, trong đó 2km bờ kè xây dựng từ năm 2003 đã xuống cấp, hơn 1 km đang xảy ra tình trạng sạt lở. Hằng năm, nước sông gây sạt lở, ngập lụt nhiều ha vườn tược, hoa màu của người dân không chỉ ở thôn 1 mà còn nhiều thôn khác như thôn 2, thôn 3…

Không chỉ xã Sơn Long, dọc theo sông Ngàn Phố nhiều vị trí sạt lở cũng đang hiện hữu. Tại xã Tân Mỹ Hà của huyện Hương Sơn, ngay tiếp giáp đoạn kè kiên cố là một vùng sạt lở khá lớn kéo dài, thậm chí là gần sát chân cầu. Mặc dù chính quyền địa phương hàng năm đều có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên việc gia cố thủ công chỉ là cách làm tạm thời, hạn chế nguy hiểm trước mắt tại các điểm xung yếu trong mùa mưa bão.

Cần những dự án cấp bách

Được biết, liên quan đến sạt lỡ bờ sông ở xã Sơn Long, các cơ quan chức năng huyện, tỉnh đã về khảo sát và ghi nhận tình trạng sạt sở xảy ra trên địa bàn. Các cơ quan báo, đài cũng đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay tình trạng sạt lỡ vẫn chưa có giải pháp thực hiện.

Sau mỗi mùa mưa bão, người dân xã Sơn Long lại chứng kiến lòng sông ăn sâu vào ngôi làng

Trao đổi ông Lê Đình Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Sơn Long, huyện Hương Sơn cho biết: Các địa điểm nóng có nguy cơ sạt lở cao nói trên đã tăng lên, nếu không nhanh chóng có các biện pháp cụ thể thì tình trạng sạt lở sẽ có thể xảy ra nghiêm trọng hơn. Hiện tại, địa phương có 2 hộ nằm trong vùng sạt lở, 13 hộ vùng ngập lụt buộc phải di dời khẩn cấp”.

Để tránh việc bị động do sạt lở xảy ra, bên cạnh việc ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp, đảm bảo tính mạng cho người dân sống tại các khu vực nguy hiểm, chính quyền đã nhiều lần vận động người dân di dời nhà ở ra khỏi khu vực nguy hiểm. Mặc dù vậy, theo ý kiến người dân thì việc di dời cũng gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện.

Những ngôi nhà sát bờ sông đang đếm ngược thời gian

Trao đổi với PV Báo điện tử TN&MT, ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết: “Tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn Hà Tĩnh xẩy ra rất nghiêm trọng. Do đặc thù địa phương có nhiều con sông đi qua nên hiện nay không riêng gì ở Hương Sơn mà nhiều địa phương khác như Kỳ Anh, Hương Khê, Vũ Quang…cũng đang tập trung mọi giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lỡ, hạn chế thiệt hại cho người dân. Khó khăn lớn nhất là kinh phí để thực hiện những công trình này thường rất lớn, cần phải có sự hỗ trợ”.

“Nói riêng về vấn đề sạt lở ở xã Sơn Long, huyện cũng đã lập phương án, cơ quan Sở NN&PT nông thôn cũng đã tổng hợp báo cáo tỉnh. Được biết, tỉnh cũng đã đưa vào danh mục kè sạt lở khẩn cấp đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện”, ông Hợi cho biết thêm.

Trước thực trạng sạt lở của bờ sông, sự xuống cấp của nhiều công trình, và ý kiến, kiến nghị của các cử tri, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa 8 dự án cấp bách vào tờ trình số 95 ngày 22/3/2020 trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư. Trước đó, thường trực và các ban Hội đồng nhân dân tỉnh đã tiến hành thẩm tra, khảo sát tại các địa phương. Qua khảo khảo sát, các đại biểu cơ bản đồng tình với việc lựa chọn các công trình, dự án để đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Đức Cảnh