Hà Nội: chỉ số hài lòng với dịch vụ giáo dục công năm 2019 tại các trường học đạt gần 96%

Xã hội - Ngày đăng : 10:01, 27/05/2020

(TN&MT) - Tính từ năm 2016 – 2019, năm 2019 là năm có kết quả sự hài lòng chung của tổ chức công dân đối với dịch vụ giáo dục công tại các trường học cao nhất, đạt gần 96%.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm 2019, gần 96% tổ chức công dân hài lòng với dịch vụ giáo dục công tại các trường học

Thực hiện Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 24/8/2016 của UBND thành phố Hà Nội về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020, từ năm 2016 - 2019, Sở GDĐT Hà Nội đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội triển khai đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân về sự phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan Sở đối với 100% nhóm các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GDĐT Hà Nội (hoàn thành sớm trước một năm so với Kế hoạch của UBND Thành phố).

Kết quả sự hài lòng chung của tổ chức công dân đạt 82,65% năm 2016, 86,52% năm 2017, 94,5% năm 2018 và 95,97% năm 2019.

Ngày 23/12/2019 Sở GDĐT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 5762/KH-SGDĐT về việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công tại các nhà trường và các cơ sở giáo dục năm học 2019-2020.

Đối tượng khảo sát là cha mẹ học sinh các cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT); Học sinh cấp trung học phổ thông và học viên các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên của 08 quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Trong đó có 4 quận là Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và 4 huyện là Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai và Mỹ Đức. Các quận, huyện được khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đại diện cho vùng, miền nội thành, ngoại thành, những nơi có điều kiện kinh tế, dân trí và cả những huyện còn khó khăn.

Đây là năm học đầu tiên, triển khai khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ giáo dục công tại các nhà trường. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, nhằm đánh giá khoa học, khách quan, hiệu quả chất lượng cung ứng dịch vụ của các nhà trường thông qua việc tìm hiểu, cảm nhận của những đối tượng trực tiếp thụ hưởng những dịch vụ này. Đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý đánh giá chất lượng dịch vụ công của các nhà trường thuộc các cấp học trên địa bàn Thành phố.

Sở GDĐT và Thành phố Hà Nội nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công, góp phần nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường được tốt hơn. Qua đó, từng bước khắc phục những nhược điểm, tồn tại về chất lượng các dịch vụ công do nhà trường cung cấp, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với chất lượng các dịch vụ công tại các nhà trường.

Với phương châm chỉ đạo của Sở, trực tiếp và chéo quận huyện, tập trung vào các nội dung: Tiếp cận dịch vụ giáo dục: Những thông tin về tuyển sinh, chuyển trường; mức thu học phí, các khoản đóng góp theo quy định của trường; Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Thiết bị vệ sinh, đồ dùng dạy học, phòng học, ánh sáng, sân chơi, bãi tập; Môi trường giáo dục: Giáo viên nhà trường gần gũi, thân thiện; Giáo viên công bằng với trẻ, với học sinh; phương pháp giảng dạy của giáo viên dễ hiểu, lôi cuốn học sinh...

Cuối cùng là chỉ số phụ huynh đánh giá chung: Nhà trường đáp ứng bao nhiêu % sự mong đợi của người dân khi cho con đi học.

Lan Chi