TP. Cần Thơ: Biến thách thức từ BĐKH thành cơ hội để phát triển bền vững
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:50, 26/05/2020
BĐKH và tai biến thiên nhiên đã và đang gây nhiều thiệt hại cho người dân trên địa bàn TP. Cần Thơ |
Những thách thức từ BĐKH
Phát biểu tại Hội thảo, GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, BĐKH và tai biến thiên nhiên đã và đang tác động tiêu cực, đe dọa đến sự phát triển bền vững của TP. Cần Thơ. Trong những năm gần đây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đời sống sinh hoạt của người dân TP. Cần Thơ.
Cùng với đó, do triều cường, mưa tại chỗ cộng với hệ thống cơ sở hạ tầng của TP. Cần Thơ chưa phù hợp đã làm cho tình trạng ngập lụt với quy mô rộng thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Trong đó, vùng bị ngập sâu hơn 100cm thuộc địa bàn TP. Cần Thơ có diện tích từ 9.700 đến 35.600 hecta; còn vùng bị ngập trung bình từ 50 đến 100cm có diện tích khoảng 87.800 hecta.
Đối với các loại thiên tai như giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông cũng đang gia tăng cả về tần số và cường độ ở TP. Cần Thơ. Từ năm 2010 đến nay sạt lở bờ sông diễn ra tương đối mạnh ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố; đồng thời, ở TP. Cần Thơ còn xảy ra tình trạng xói sâu lòng sông làm thay đổi liên tục đáy xâm thực cơ sở là cho sạt lở bờ sông, kênh, rạch tiếp tục xảy ra.
Song song với đó quá trình đô thị hóa đang diễn ra tương đối mạnh tại TP. Cần Thơ trong những năm gần đây đã làm phát sinh nhiều loại tải trọng làm lún mặt đất và công trình tại những khu vực có mật độ xây dựng cao, tải trọng lớn; đồng thời việc khai thác nước ngầm phục vụ cho việc cấp nước đô thị ở Cần Thơ cũng là nguyên nhân gây sụt lún cục bộ mặt đất.
Tại Hội thảo, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, TP. Cần Thơ sẽ bị ngập lụt sâu và kéo dài hơn ở một số vùng ở phía Tây và Tây Bắc do nước biển dâng, ngăn cản khả năng tiêu thoát nước ra biển trong mùa lũ. Khi đó tình hình ngập nước tại khu vực nội thị TP. Cần Thơ và một số vùng lân cận sẽ trở nên trầm trọng, một số vùng trồng cây ăn quả có thể bị ngập cục bộ do triều cường.
Ngoài ra, tại hội thảo nhiều chuyên gia, nhà khoa học còn cho biết, hoạt động kinh tế ở TP. Cần Thơ chủ yếu là nông nghiệp và thuỷ sản, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu và chịu rủi ro từ khí hậu. Nền nhiệt cao, bốc hơi mạnh và thiếu hụt mưa, ảnh hưởng của xâm nhập mặn là những thách thức không nhỏ đối với phát triển kinh tế- xã hội nói chung, phát triển bền vững nói riêng của TP. Cần Thơ.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thách thức từ BĐKH đã mang đến những cơ hội cho TP. Cần Thơ phát triển bền vững |
Cơ hội để phát triển bền vững
Theo các chuyên gia, nhà khoa học, BĐKH diễn biến phức tạp, tai biến thiên nhiên như ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, lún mặt đất gia tăng là những thách thức rất lớn đối với Cần Thơ cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, theo GS Mai Trọng Nhuận, nếu xét một cách toàn diện, BĐKH đã mang đến những cơ hội cho TP. Cần Thơ phát triển bền vững.
Cụ thể đó là cơ hội cho TP. Cần Thơ đổi mới thể chế, chính sách, quản trị ứng phó với BĐKH và tai biến thiên nhiên để phát triển bền vững; thu hút các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế; tái cơ cấu nền kinh tế và ứng dụng các đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế; phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học và công nghệ…
Còn TS Đặng Kim Sơn cho biết, dưới tác động của BĐKH, nhiều khu dân cư tập trung và thành phố nằm sát biển của vùng ven biển ĐBSCL sẽ chịu tác động nặng nề của nước biển dâng, xâm nhập mặn thiếu nước ngọt, xói lở bờ, bão, sụt lún nền đồng bằng, còn các khu dân cư tập trung và thành phố ở vùng thượng nguồn sông Mê Công sẽ chịu tác động của lũ bất thường và sạt lở bờ, nhưng ở Cần Thơ sẽ có thế mạnh an toàn để phát triển đô thị và tập trung dân cư mà không một địa bàn nào trong vùng có được.
TS Đặng Kim Sơn dẫn chứng: “Các tỉnh ven biển như: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh sẽ chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn, nhất là trong mùa khô của những năm khô hạn, nhưng ở Cần Thơ không chịu tác động đáng kể của xâm nhập mặn. Trong tương lai, xâm nhập mặn sẽ khiến cho diện tích sản xuất cây ăn quả vùng ven biển bị thu hẹp lại, điều này khiến cho lợi thế cạnh tranh về sản xuất cây ăn quả cho vùng Cần Thơ được củng cố”.
Hơn nữa, TS Đặng Kim Sơn cho biết thêm, khi BĐKH diễn biến mạnh, một số vùng trồng cây ăn quả có thể bị ngập cục bộ do triều cường. Các tỉnh xung quanh Cần Thơ, nhất là Hậu Giang, Vĩnh Long sẽ chịu tác động nặng trên quy mô rộng làm ảnh hưởng đến các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, nhưng đây lại là lợi thế riêng biệt về sản xuất nông nghiệp cho Cần Thơ trong trồng cây ăn quả và phát triển kinh tế đô thị, công nghiệp.
Theo GS Mai Trọng Nhuận, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong thời gian tới TP. Cần Thơ ngoài việc tận dụng được những lợi thế thì thành phố cần triển khai thí điểm mô hình xây dựng đô thị sông nước ứng phó BĐKH, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn trên cơ sở hợp tác và tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, công nghệ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân trong và ngoài thành phố.
Cùng với đó TP. Cần Thơ cần hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, vướng mắc, nhất là về quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường; đổi mới thể chế, chính sách, quy hoạch và điều phối; đồng thời hợp tác vùng - liên vùng - địa phương liên quan đến việc tích hợp các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH và tai biến thiên nhiên, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển bền vững hướng đến xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế tuần hoàn, chống chịu cao cho TP. Cần Thơ.
Cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng cần chú trọng đầu tư các công trình tạo đột phá cho phát triển của TP. Cần Thơ để làm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL; tăng cường tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính chất cấp vùng để ứng phó với BĐKH, tai biến thiên nhiên và phát triển bền vững.