Bất động sản Thanh Hóa: Khôi phục đà tăng trưởng, doanh nghiệp cần “cơ chế”
Bất động sản - Ngày đăng : 10:55, 26/05/2020
“Đóng băng” vì Covid-19
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng Thanh Hoá, những năm qua, do sự phát triển nhanh về kinh tế chung nên thị trường BĐS Thanh Hoá có đà tăng trưởng mạnh. Nhiều dự án chỉ trong thời gian ngắn đã có giá giao dịch cao gấp nhiều lần giá ban đầu, chẳng hạn các mặt bằng 530, 2125 (P. Đông Vệ), KĐT Đông Hải...
Điển hình là cuối năm 2019, cuộc đấu giá “đất vàng” thành công tại mặt bằng 3241 (P.Đông Hương) với giá trị 1.215 tỷ đồng, đem lại nguồn thu cho ngân sách 548,6 tỉ đồng so giá ban đầu đã kích cầu thị trường, tạo ra mặt bằng giá mới trong khu vực.
Mặt bằng 3241 Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là UBND thành phố Thanh Hóa đến nay vẫn dở dang |
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng ADI và Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa) đơn vị trúng đấu giá mặt bằng 3241 cho biết: Từ đầu 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến việc kinh doanh, buôn bán nhà, đất gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đều bị tác động lớn từ đại dịch. Mặt khác, hiện hạ tầng Khu đất trúng đấu giá chưa hoàn thành và có dấu hiệu xuống cấp do thời gian đầu tư xây dựng đã lâu (gần 10 năm nay chưa đưa vào sử dụng) không được vận hành và bảo dưỡng. Theo Văn bản số 1161/UBND-TCKH ngày 12/3/2020, việc thi công nhà chung cư Xuân Mai đã làm hỏng tuyến đường N23 (dài 50 m) và N2 (dài 80 m). Như vậy hạ tầng dự án cần được hoàn chỉnh để bàn giao cho đơn vị trúng đấu giá nhằm đảm bảo điều kiện phục vụ đồng bộ theo quy định được phê duyệt
Sau những ảm đạm của thị trường bất động sản Thanh Hóa trong quý I/2020, các chuyên gia cho rằng trong những quý tiếp theo khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những doanh nghiệp chưa kịp triển khai đưa hàng mới ra thị trường trong quý I sẽ đồng loạt "khởi sắc" trong quý II/2020, kéo lại đà tăng trưởng cho những tháng trước đó. Đối với một số doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào, nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn để "găm" hàng chờ thời cơ kiếm lời.
Không xin tiền, chỉ xin cơ chế
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, đầu quý II/2020, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều mặt do đại dịch nhưng do kiểm soát tốt ngay từ đầu và chủ động các phương án vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung khôi phục đà tăng trưởng, kinh tế Thanh Hóa, trong đó, có thị trường BĐS đã có tín hiệu ấm trở lại.
Tuy nhiên, hàng loạt dự án BĐS lớn trên địa bàn, chủ yếu ở TP. Thanh Hoá đang bị mắc kẹt vì nợ đọng thuế, tiền sử dụng đất khi không có cách tháo gỡ khả thi. Với số tiền phải nộp vào ngân sách lớn, lên đến hàng trăm tỷ, không doanh nghiệp BĐS nào có khả năng. Kênh huy động vốn quan trọng vẫn là ngân hàng. Vậy nhưng, trong thời điểm rất nhiều lĩnh vực cần vốn tái đầu tư sau đại dịch thì kênh này cũng không hề dễ dàng. Kênh khác là nguồn tài chính từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ được huy động dưới hình thức cho vay, góp vốn… cũng gặp nhiều khó khăn vì khi chưa thấy rõ khả năng tăng trưởng của thị trường, chưa nhìn thấy được hiệu quả từ việc đầu tư dưới hình thức này, rất ít người sẵn sàng xuống tiền đầu tư, cho dù chủ dự án có đưa ra nhiều gói kích cầu.
Mặt bằng 3241 (KĐT Đông Hương, TP. Thanh Hóa) vẫn là điển hình của sự khó khăn đó. Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa cho hay, được đấu giá thành công với số tiền lên đến 1.215 tỷ đồng, đem lại nguồn thu cho ngân sách 548,6 tỉ đồng so giá ban đầu nhưng đứng trước đại dịch Covid-19, dự án cũng gặp bất lợi không hề nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư, hợp tác huy động vốn từ ngân hàng và bán hàng. Hiện liên danh này đã nộp 144 tỉ đồng vào ngân sách, còn nợ hàng trăm tỷ khác. Vì vậy, để dự án hoạt động tốt UBND TP, Thanh Hóa cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng như đã phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, với vị trí “đất vàng” duy nhất của TP. Thanh Hóa, chắc chắn khi vượt qua khủng hoảng, dự án sẽ đem lại nguồn thu lớn cho các nhà đầu tư và khi đó, câu chuyện nộp tiền cho ngân sách không phải chuyện lớn. Chuyện lớn bây giờ là lấy tiền đầu để nộp theo đúng quy định? “Cách duy nhất là cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi đấu giá theo thị trường, chấp nhận cuộc chơi đó, chúng tôi không xin giảm giá mà chỉ xin các cơ quan chức năng hỗ trợ bằng cơ chế giãn tiến độ nộp tiền, cho DN có khoảng không để thở, tìm cách khôi phục kế hoạch kinh doanh. Vượt qua giai đoạn khó khăn này, cả DN, nhà đầu tư và Nhà nước đều có lợi” – ông Hoàng Anh Tuấn nói.
Tương tự, một dự án tuy quy mô không lớn nhưng cũng gặp những khó khăn không nhỏ là dự án Khu thương mại và nhà phố Eden của Công ty CP Liên kết Việt (Vietlink) tại phường Nam Ngạn và Đông Thọ. Tổng số tiền sử dụng đất đơn vị phải nộp sau khi xác định lại nghĩa vụ tài chính lên đến 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Công ty cũng chưa thể hoàn thành hết nghĩa vụ tài chính vì ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Theo ông Trịnh Xuân Tráng - Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Lết Việt, dù gặp khó khăn bởi đại dịch nhưng Công ty đang tích cực dồn lực triển khai hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thi công với chất lượng cao nhất, quyết tâm xây dựng một khu đô thị khác biệt ở Thanh Hóa với hy vọng, ngay sau khó khăn sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với sản phẩm tốt.
Cũng như ông Hoàng Tuấn Anh của liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ADI- Công ty cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa, ông Trịnh Xuân Tráng cũng mong UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ về cơ chế, cho giãn tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi khác để dự án nhanh chóng đưa vào thị trường, tạo thanh khoản và có tiền nộp ngân sách.
Trên địa bàn Thanh Hóa có ít nhất gần 10 dự án trong tình trạng nợ tiền sử dụng đất và gặp khó khăn tương tự. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhận được đơn, đề nghị của các nhà đầu tư và đã chuyển cho các cơ quan chức năng xem xét. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này, khi bắt tay khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, chia sẻ và hỗ trợ kịp thời bằng cơ chế của Nhà nước.